Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Không phải mọi màn hình smartphone 120Hz đều như nhau, đây là lý do tại sao

Không phải mọi màn hình smartphone 120Hz đều như nhau, đây là lý do tại sao

Không phải mọi điện thoại 120Hz đều có chất lượng màn hình, tính năng, và thời lượng pin như nhau. Có rất nhiều thứ góp phần tạo nên một màn hình tuyệt vời chứ không chỉ duy nhất tần số khung hình trong bảng thông số.

Và nếu bạn chưa biết, thì đã có một số mẫu điện thoại dù được trang bị màn hình tần số quét cao, nhưng chế độ này đã bị tắt ngay từ khi xuất xưởng, hoặc bị đặt dưới những hạn chế nhất định để đổi lấy thời lượng pin. Google và Samsung là những ví dụ. Ngoài ra, còn có những câu hỏi cần trả lời về chất lượng của màn hình 120Hz, khi mà chúng đang nhanh chóng xuất hiện trong phân khúc tầm trung. Liệu những màn hình như vậy có thực sự so sánh được với những màn hình 120Hz trên các thiết bị flagship?

120Hz không phải là một lời đảm bảo cho chất lượng

Dù các màn hình 90Hz và 120Hz giúp chuyển động trong các ứng dụng và các yếu tố nhất định của giao diện người dùng (UI) trông mượt mà hơn, tần số làm tươi cao lại không phải là dấu hiệu biểu thị chất lượng màn hình. Độ chính xác màu sắc, khả năng hiệu chỉnh độ sáng, và cân bằng trắng, tất cả đều độc lập so với tần số làm tươi và có những tác động lớn hơn lên chất lượng của hầu hết các nội dung được hiển thị. Dù 120Hz có thể trông mượt mà hơn, ảnh và video vẫn có thể trông nhợt nhạt hoặc quá bão hòa nếu bản thân màn hình được hiệu chuẩn kém.

Chính vì lý do đó, các mẫu màn hình khác nhau đến từ các nhà sản xuất khác nhau sẽ trông khá khác biệt, dù cho chúng có thể có cùng tần số làm tươi. Ví dụ, các màn hình giá rẻ nhiều khả năng sẽ gặp những vấn đề dễ nhận thấy trong quá trình sử dụng, cũng như độ hiệu chuẩn màu kém. Hãy cẩn thận với các mẫu điện thoại giá rẻ được trang bị các tấm nền tần số làm tươi cao, bởi chúng có thể là "bảo bối" để khiến người tiêu dùng phân tâm khỏi các vấn đề khác. Mặt khác, những màn hình điện thoại flagship cao cấp có thể được hiệu chuẩn màu tốt hơn mức thông thường, đó là lý do tại sao bạn vẫn nên chú ý đến các tiêu chuẩn chất lượng màn hình truyền thống, đừng chỉ chăm chăm vào tần số làm tươi.

Các màn hình 60Hz truyền thống vẫn có thể trông tốt hơn các tấm nền 120Hz, ít nhất là về độ chính xác màu sắc. ĐIều này đặc biệt đúng khi so sánh các tấm nền 60Hz cao cấp với các màn hình 120Hz giá rẻ. Chất lượng tổng thể chắc chắn quan trọng hơn cảm giác mượt mà hơn một chút trên giao diện người dùng. Hơn nữa, chỉ vì một màn hình được quảng cáo là 90Hz hay 120Hz không đồng nghĩa đại đa số các ứng dụng và nội dung sẽ thực sự tận dụng được nó.

Không phải mọi màn hình smartphone 120Hz đều như nhau, đây là lý do tại sao - Ảnh 1.
 

Ứng dụng, nội dung, và bản thân hệ điều hành Android đều quan trọng

Không chỉ chất lượng màn hình khác biệt giữa các thiết bị - số lượng nội dung hỗ trợ tần số làm tươi cao cũng vậy. Có nghĩa lý gì khi sở hữu một chiếc điện thoại với màn hình 120Hz nhưng chẳng bao giờ sử dụng đến? Đây là vấn đề cơ bản cần cân nhắc khi tìm hiểu những màn hình với tần số làm tươi cao.

Tần số khung hình của một ứng dụng hay game phụ thuộc không chỉ phần cứng mà còn phụ thuộc cách ứng dụng được lập trình để dựng hình, và cách Android hoạt động. Google từng công bố những thông tin liên quan cách các màn hình tần số làm tươi cao hoạt động với các nội dung trong Android. Điểm đầu tiên cần chú ý là tần số khung hình bị giới hạn bởi thời gian dựng hình, vốn được kiểm soát bởi Android Choreographer. Các màn hình 120Hz chỉ có 8,3ms giữa các khung hình, trong đó GPU phải vẽ ra các khung. Một số ứng dụng và game dựng hình ở tần số làm tươi v-sync của màn hình, để chúng có thể hoạt động ở tần số khung hình đầy đủ. Tuy nhiên, các ứng dụng khác đơn giản là mất quá lâu để dựng hình, hoặc sử dụng các công cụ dựng hình tùy biến với tốc độ cập nhật thấp hơn, do đó chúng đơn giản không thể đạt mức 120Hz. Thay vào đó, các tựa game có thể chỉ dừng ở 90, 60, 45, hay thậm chí là 30fps.

Điều quan trọng rút ra được ở đây là: một chiếc điện thoại có màn hình 120Hz không có nghĩa mọi ứng dụng sẽ chạy ở 120Hz. Những mẫu điện thoại với sức mạnh xử lý cao hơn càng có khả năng đạt được các tần số khung hình cao với độ trễ thấp hơn, dù rằng một số ứng dụng có thể được tối ưu hóa cho các nền tảng cụ thể.

Tình hình càng phức tạp khi sử dụng nhiều ứng dụng và yếu tố UI cùng lúc. Google nói rằng các màn hình 120Hz sẽ xem tốt nội dung 24, 30, 45 và 60fps mà không gặp vấn đề rung hình, bởi 120 chia hết cho những tần số này. Phát một video 24fps trên một màn hình 120Hz sẽ tránh được việc sử dụng thuật toán hạ cấp 3:2 mà một màn hình 60Hz đòi hỏi. Tuy nhiên, xung đột có thể xảy ra giữa các phần mềm, ví dụ như video thì có tần số khung hình thấp, trong khi UI lại có tần số khung hình cao. Đó là lúc Android phải nhảy vào và chọn một tần số khung hình, có thể dẫn đến hiện tượng rung hình và/hoặc bị hạ xuống tần số chuẩn 60Hz.

Trong Android 11 có một API setFrameRate mới, với chức năng giúp tìm tần số khung hình tối ưu cho nhiều ứng dụng đang chạy cùng lúc. Tuy nhiên, các thiết bị hiện tại vẫn phải sống chung với vấn đề xung đột. Tóm lại, các ứng dụng và game có thể ảnh hưởng đến tần số làm tươi, nhưng quyết định cuối cùng thuộc về nền tảng. Hãy hi vọng các điện thoại Android 11 ra mắt năm sau sẽ xử lý các nội dung với tần số làm tươi hỗn hợp tốt hơn các mẫu máy hiện tại.

Nhìn chung, đảm bảo mọi ứng dụng đạt được tần số khung hình rất cao là điều rất khó thực hiện được. Thay vào đó, Android sẽ chủ động chuyển đổi tần số khung hình để phù hợp nhất với ứng dụng bạn đang chọn. Nhưng cho dù vậy, nó vẫn phụ thuộc vào các các nhà sản xuất thiết kế thiết bị của họ.

Không phải mọi màn hình smartphone 120Hz đều như nhau, đây là lý do tại sao - Ảnh 2.
 

Vi xử lý hiển thị là yếu tố tạo khác biệt

Nếu bạn thấy mọi thứ vẫn còn dễ hiểu, thì hãy đọc tiếp: các thiết bị cũng có thể thêm vào lớp xử lý hiển thị của riêng chúng để upscale hoặc loại bỏ hiện tượng rung hình vượt ngoài framework Android chuẩn. Ở đây, sức mạnh xử lý là rất quan trọng, bởi một số hiệu ứng có thể sử dụng rất nhiều điện năng. Các vi xử lý hiển thị độc lập (DPU) có thể thự hiện các tác vụ này hiệu quả hơn nhiều. Nhưng bạn sẽ cần thêm một vi xử lý nữa bên trong chiếc smartphone của mình.

Các vi xử lý Snapdragon của Qualcomm được trang bị các vi xử lý hiển thị và hiệu ứng thuộc dòng GPU Adreno. Những vi xử lý này đảm nhiệm giải mã video cũng như dựng hình đồ họa, và vi xử lý ứng dụng cũng có thể chạy thêm một phần mềm xử lý hiển thị nữa. Ví dụ, Pixelworks, một công ty chuyên về công nghệ tăng cường hiển thị, đã tận dụng Snapdragon 865 để chạy chương trình hiệu chuẩn Soft Iris và các tính năng như tone-maping và chuyển đổi SDR sang HDR trên mẫu máy OnePlus 8. Các SoC khác cũng có các DPU của riêng chúng, nhưng những con chip tầm trung hay tầm thấp thì không có phần cứng để chạy các tính năng cao cấp hơn một cách hiệu quả. Ví dụ, Snapdragon 765G chỉ hỗ trợ 120Hz trên màn hình FHD+ là cao nhất, trong khi 865 có thể "xử" 144Hz ở độ phân giải QHD+.

Các tính năng hiển thị phức tạp sẽ chạy hiệu quả hơn trên các vi xử lý độc lập. Những vi xử lý này bao gồm Iris5 của Pixelworks và Mali-D77 hay D71 của Arm, dù chúng sở hữu những khả năng khác nhau. Ví dụ, Iris 5 có khả năng upscale tần số khung hình video MEMC và loại bỏ rung hình. Upscale và nội suy video, game, và các ứng dụng khác có thể giúp cải thiện độ mượt mà kể cả khi ứng dụng mặc định chạy ở tần số khung hình thấp. Các vi xử lý hiển thị tiên tiến không chỉ mang đến các tính năng mới, mà còn cải thiện được mức tiêu hao điện năng – một yếu tố rất quan trọng khi sử dụng các màn hình 120Hz uống pin như nước lã.

Không phải mọi màn hình smartphone 120Hz đều như nhau, đây là lý do tại sao - Ảnh 3.
 

Không phải mọi màn hình 120Hz đều như nhau

Chắc chắn ai cũng muốn có màn hình với tần số khung hình cao, nhưng vẫn có nhiều thứ khác góp phần vào chất lượng hiển thị tổng thể chứ không chỉ riêng số hertz. Các tiêu chí chất lượng hình ảnh chuẩn vẫn được áp dụng, và một màn hình hỗ trợ 90 hay 120Hz không đồng nghĩa chúng sẽ có màu sắc hay độ sáng tuyệt đỉnh. Dẫu vậy, các tấm nền 120Hz có thể trông rất đẹp, đặc biệt nếu điện thoại của bạn sở hữu sức mạnh phần mềm và phần cứng để hỗ trợ các tính năng hiệu chuẩn nâng cao và ánh xạ màu sắc.

Ngoài ra, bạn cũng cần nghiên cứu xem có những tính năng hiển thị nào khác đi kèm với thiết bị không. Một vi xử lý độc lập đảm nhiệm các tính năng nâng cao có thể mang lại cho bạn các nội dung mượt mà hơn mà vẫn đảm bảo thời lượng pin cả ngày dài, thay vì một trải nghiệm 120Hz dưới mức trung bình. Và đừng quên rằng các ứng dụng mới trong tương lai, cùng với Android 11, sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội tận hưởng các tần số làm tươi cao hơn.

Đó là lý do tại sao không phải mọi smartphone 120Hz đều như nhau.

Tham khảo: AndroidAuthority

 

Nguồn: Genk.vn

Similar blogs

Hot Blogs

Similar jobs