Không ít người dùng đã đặt ra câu hỏi: Lớp dán này có gì đặc biệt mà có thể khiến màn hình PC bị hỏng nặng đến vậy?
Một người dùng Facebook mới đây đã đăng tải một hình ảnh ‘mô tả’ lại tình huống dở khóc dở cười của mình trong quá trình sử dụng một chiếc màn hình PC, buộc anh phải nhờ vả cộng đồng giúp sức Theo đó, anh chàng này trong một phút giây táy máy theo kiểu…‘em yêu khoa học’ đã vô tình gỡ một lớp dán ‘bí ẩn’ màu đen trên chiếc màn hình của hãng LG, vốn vừa mới được tậu về chưa lâu. Đáng nói, việc bóc lớp dán này khiến màn hình rơi vào tình trạng ‘trắng xóa’ không thể sử dụng.
"Mình mới mua màn hình LG 2K tưởng lớp dán này là lớp seal, mình bóc ra ra giờ hỏng luôn, có bác nào biết chỗ sửa chữa không chỉ giúp, thanks!", nội dung của bài viết ''cầu cứu'' đăng tải trong một group công nghệ trên Facebook.
Sau khi đăng tải, bài viết trên nhanh chóng ‘gây bão’ và thu hút được rất nhiều bình luận của người dùng công nghệ. Một số người dùng tỏ ra thắc mắc vì không biết anh chàng này bóc lớp dán kia bằng cách nào mà dễ dàng đến vậy. Đáng chú ý, không ít người dùng đã đặt ra câu hỏi: Lớp dán này có gì đặc biệt mà có thể khiến màn hình PC bị hỏng nặng đến vậy?
Chớ dại mà bóc ra thành phần quan trọng nhất bên trong màn hình
Theo đó, lớp dán này được gọi là phim phân cực (hay kính lọc phân cực). Là một loại phim quang học,chúng thường được làm bằng vật liệu tinh thể trong suốt, có khả năng kiểm soát lượng ánh sáng đi qua. Nó được xếp vào dạng một trong những thành phần quan trọng nhất bên trong màn hình.
Về cơ bản, mục đích của kính lọc phân cực là tạo ra hình ảnh có thể nhìn thấy được. Dựa trên nguyên tắc phân cực, kính lọc phân cực hoạt động bằng cách hạn chế loại ánh sáng truyền đến lớp pixel (điểm ảnh) của màn hình, từ đó có kiểm soát độ sáng của các điểm ảnh và tạo ra hình ảnh chất lượng cao, có thể nhìn thấy được. Nếu không có chúng, bạn sẽ không thể xem hình ảnh được tạo ra bởi màn hình LCD.
Cận cảnh lớp kính lọc phân cực và ''hiện trạng'' của màn hình sau khi đã bị gỡ bỏ lớp kính lọc này.
Thông thường, có hai lớp kính lọc phân cực được sử dụng trong màn hình công nghệ LCD. Cả hai lớp kính này đều có thể điều khiển loại ánh sáng đi qua chúng.
Cơ chế hoạt động của 2 lớp kính lọc phân cực nói riêng và màn hình LCD nói chung có thể tóm tắt như sau: Khi ánh sáng được phát ra từ đèn nền của màn hình LCD, chúng có vô số phương phân cực như các ánh sáng tự nhiên.
Ánh sáng này được cho lọt qua lớp kính lọc phân cực thứ nhất, trở thành ánh sáng phân cực phẳng chỉ có phương thẳng đứng. Ánh sáng phân cực phẳng này được tiếp tục cho truyền qua tấm thủy tinh và lớp điện cực trong suốt để đến lớp tinh thể lỏng. Sau đó, chúng tiếp tục đi tới kính lọc phân cực thứ hai, vốn có phương phân cực vuông góc với kính lọc thứ nhất, rồi mới đi tới mắt người quan sát.
Với riêng các loại màn hình sử dụng công nghệ OLED, chỉ có 1 lớp phim phân cực được sử dụng do loại màn hình này không đèn nền. Lớp phim này sẽ được dán bên ngoài của tấm nền để ngăn chặn sự phản xạ của ánh sáng.
Sơ đồ mô tả cách thức hoạt động của kính lọc phân cực, vốn có khả năng kiểm soát lượng ánh sáng đi qua
Một câu hỏi khác được đặt ra: Nếu lỡ bóc kính lọc phân cực bên ngoài ra khỏi màn hình, liệu có thể dán lại được không?
Theo anh Nguyễn Hoàng Long, một thợ sửa màn hình PC, ngườ dùng hoàn toàn có thể dán lại các lớp kính lọc phân cực. Theo đó, trên một số sàn thương mại điện tử lớn, người dùng có thể đặt mua các lớp kính lọc phân cực dành cho TV, màn hình laptop, màn hình PC ..v..v với giá bán khoảng vài trăm nghìn đồng tùy kích cỡ màn hình. Tuy nhiên, để hạn chế các trường hợp như bụi hay dị vật dính vào kính lọc phân cực, người dùng nên tới các cửa hàng sửa chữa màn hình để được các chuyên viên kĩ thuật thực hiện dán đúng cách, theo khuyến cáo của anh Hoàng Long.
GenK
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN CÔNG NGHỆ OMMANI
Location: Hà Nội
Salary: 10 Mil - 15 Mil VND