Masayoshi Son, CEO của tập đoàn SoftBank và người giám sát Quỹ Vision 100 tỷ USD vốn là tỷ phú nổi tiếng với triết lý đầu tư "liều ăn nhiều". Năm 2010, ông từng thu hút sự chú ý khi tiết lộ tầm nhìn 300 năm trong một bộ slide thuyết trình chứa đầy những trích dẫn truyền cảm hứng và đáng suy ngẫm.
Mới đây, ông trùm đầu tư Nhật Bản đã một lần nữa gây bất ngờ với slide mới nhất về kế hoạch kinh doanh sắp tới của mình. Trong bài thuyết trình về tình hình tài chính quý III/2019 của SoftBank ngày 6/11 vừa qua, Son đã trực tiếp thừa nhận thiệt hại do đầu tư nhiều tỷ USD vào startup chia sẻ văn phòng WeWork và ông gọi đó là "vấn đề WeWork".
Báo cáo tài chính của SoftBank chỉ ra rằng khoản lỗ kết hợp của tập đoàn với giá trị cổ phiếu WeWork đã lên tới 8,2 tỷ USD.
Tỷ phú Masayoshi Son.
WeWork từng là một kỳ lân công nghệ hàng đầu với mức định giá 47 tỷ USD. Tuy nhiên, từ sau khi nộp hồ sơ IPO vào tháng 8, công ty này đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng: Hoãn IPO vô thời hạn, nhà sáng lập Adam Neumann rời ghế CEO, định giá giảm thê thảm xuống còn dưới 10 tỷ USD và sẽ hết tiền mặt trong vòng vài tuần. Nguyên nhân là hồ sơ IPO đã tiết lộ các khoản lỗ khổng lồ của công ty trong thời gian ngắn, ngoài ra, người ta còn lo ngại về khả năng quản trị của Neumann.
Cuối cùng, đến tháng 10, SoftBank đã đưa ra gói cứu trợ trị giá 9,5 tỷ USD và nắm quyền kiểm soát toàn bộ WeWork. Tuy tình hình không mấy khả quan nhưng theo bài thuyết trình của mình, Son lại tỏ ra lạc quan về việc SoftBank có thể xoay chuyển tình thế.
Mở đầu, ông thừa nhận những sai lầm với WeWork. Ông nói: "Chúng ta thực sự đang ở trong một vùng biển đầy biến động".
Sau đó, vùng biển này được phủ đầy bằng những dòng chữ tiếng Nhật về SoftBank và WeWork.
Son nói: "Trong hai tháng qua, nhiều biến động đã xảy ra. SoftBank có thể bị phá sản, Quỹ Vision là một thứ gì đó tiêu cực. Giá cổ phiếu Uber giảm mạnh sau IPO, WeWork từng đứng trước bờ vực phá sản".
Sau đó, Son đã "mang một con voi vào phòng" – câu thành ngữ chỉ một vấn đề hoặc khúc mắc rất lớn không thể phớt lờ nhưng tất cả mọi người đều tránh đề cập đến: Sự đặt cược của SoftBank và WeWork và cái giá phải trả của việc này.
Vị tỷ phú nói: "Đánh giá của tôi về các khoản đầu tư không phải lúc nào cũng đúng và tôi rất tiếc về điều đó".
Tiếp đến, ông trình chiếu slide dưới đây để giải thích quá trình định giá của Quỹ Vision.
Cách tiếp cận mạnh mẽ để định giá của SoftBank đã gây không ít bất ngờ và sự chú ý. Ví dụ như WeWork từng được tập đoàn này định giá lên tới 47 tỷ USD trong thời kỳ hoàng kim. Thậm chí, một trong những giám đốc cấp cao của SoftBank còn nói rằng startup chia sẻ văn phòng còn có thể trị giá 100 tỷ USD.
Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, WeWork chỉ còn được định giá ở mức 8 tỷ USD.
Son thừa nhận đây là một doanh nghiệp thua lỗ lớn, có lợi nhuận gộp thấp và chi phí hoạt động cao. Tuy nhiên, ông đã có kế hoạch: Tạm dừng ký hợp đồng với văn phòng mới, cắt giảm chi phí hoạt động và loại bỏ những mảng kinh doanh không đem lại lợi nhuận.
Tuy nhiên khi nhìn kỹ, người ta sẽ phát hiện ra dòng chữ nhỏ bên dưới: "Không có gì đảm bảo chắc chắn rằng chiến lược này sẽ thành công".
Còn nếu điều kỳ diệu đó xảy ra, đây là tình hình lợi nhuận của WeWork theo quan điểm của Son.
Một người dùng Twitter miêu tả slide trên của Son: "Masa đúng là một thiên tài truyện tranh, điều khó xảy ra như vậy mà ông ấy cũng nghĩ ra được!".
Một lần nữa, slide đi kèm dòng chú thích nhỏ bên dưới: "Giả thuyết này chỉ được cung cấp cho mục đích minh họa, phản ánh niềm tin hiện tại của SoftBank và dựa trên nhiều giả định, ước tính khác nhau…
Theo đó, kết quả thực tế có thể khác so với minh họa giả thuyết được trình bày trong tài liệu này. Trên thực tế, minh họa trên không phản ánh kết quả thực tế hoặc số liệu từ công ty".
Đường đi lên khó tin về lợi nhuận của WeWork theo tầm nhìn của Son:
Sau kế hoạch đầy "điên rồ" này, mọi thứ sẽ trở lại vùng biển yên tĩnh.
Son phát biểu: "Chúng ta không còn thấy bất kỳ vùng biển động nào nữa. Giờ đây, mọi thứ chỉ là những con sóng hiền hòa trên biển".
Nguồn: Genk.vn