Trước tiên, hãy để tôi giải thích về sự phát triển trong nghề nghiệp tuyệt vời này trông sẽ như thế nào.
Nó không giống như đồ thị tuyến tính dạng đường thẳng, theo kiểu bạn sẽ phát triển lên một chút đều đặn mỗi tháng. (Thực ra, sự phát triển trong sự nghiệp không giống như thế. Bạn không phát triển một chút đều đặn mỗi tháng. Có thể bạn sẽ trở nên tốt hơn một chút trong sự nghiệp của mình mỗi tháng, nhưng bạn phát triển theo những bước lớn chứ không đều đặn.)
Một sự nghiệp tuyệt vời trông sẽ giống biểu đồ dưới đây: Nó có một số thời kỳ tăng trưởng chậm hơn và một số “bước ngoặt”, nơi mà sự nghiệp của bạn phát triển rất nhanh.
Bạn có để ý thấy những thay đổi màu sắc trong đồ thị trên không? Đó là những thay đổi nghề nghiệp: từ phát triển phần mềm đến quản lý sản phẩm, từ bán hàng đến cofounder, v.v…
Nó cũng có một số trở ngại. Bởi vì bạn biết rồi đấy? Muốn trở nên tuyệt vời thì đòi hỏi phải chấp nhận một số rủi ro. Và nếu có nhiều rủi ro nghĩa là bạn sẽ thất bại một chút.
Bởi vậy về cụ thể thì bạn nên quan tâm đến những vấn đề sau đây…
Lập trình
- Lập trình thật nhiều. Trường học dạy ta rất nhiều lý thuyết, nhưng không tập trung nhiều vào thực hành thực tế. Điều này đặc biệt đúng ở các trường đại học hàng đầu. Các giáo sư là các học giả và thường thù địch với nhiều hình thức “thực hành” của giáo dục. Cách tốt nhất để trở thành một lập trình viên giỏi là thông qua thực hành – thật nhiều. Không quan trọng về những gì bạn code (mã nguồn mở, các ứng dụng iPhone, v.v…) miễn là bạn đang lập trình và thúc đẩy chính mình.
- Thạo nhiều ngôn ngữ lập trình. Ngôn ngữ chỉ là một công cụ. Sẽ có giá trị để nắm một ngôn ngữ thật sâu sắc, nhưng cũng có giá trị để học thêm những điều mới. Các lập trình viên giỏi nhất có xu hướng không nhận mình là một nhà phát triển về một công nghệ hay ngôn ngữ cụ thể nào đó, họ là những lập trình viên full stack.
Lựa chọn nghề nghiệp
- Tạo uy tín. Nếu bạn từng làm qua một công ty lớn, thì cái tên của nó trong hồ sơ của bạn sẽ giúp mở ra nhiều cánh cửa cơ hội và cho thấy khả năng của bạn. Nếu bạn có thể có được một cái tên như Google, Facebook, Amazon, Microsoft, Dropbox, v.v… trong hồ sơ thì hãy làm điều đó. (Nhưng đừng ở lại công ty đó quá lâu. Bạn xem tiếp lý do ở phần dưới).
- Rời bỏ các công ty lớn một cách nhanh chóng. Nếu bạn muốn xây dựng sự nghiệp của mình tại một công ty lớn, thì bằng mọi cách, hãy ở lại và xây dựng sự nghiệp của mình ở đó. Nhưng nếu đó không phải những gì bạn muốn, hãy ra đi một cách nhanh chóng. Một hoặc hai năm sau đại học làm việc tại một công ty như Google là tuyệt vời. Nhưng nếu làm ở đó 10 năm thì sao? Cũng không nhiều lắm. Bạn sẽ tiếp tục học hỏi, nhưng sẽ giảm dần và trở nên đi theo lối mòn và ít phát triển. (Trừ khi bạn muốn trở thành một thành viên quan trọng của công ty đó thì hãy ở lại.)
- Nếu bạn muốn một sự nghiệp A+, hãy đến khu vực vịnh San Francisco (Thung lũng Silicon). Tôi yêu Seattle và đã bắt đầu sự nghiệp của mình ở đó, nhưng tôi phải nói thật lòng rằng: có rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực công nghệ ở khu vực vịnh San Francisco hơn. Bạn sẽ tự giới hạn mình với vai trò là một kỹ sư (hoặc người quản lý sản phẩm/ nhân viên kinh doanh công nghệ) suốt đời nếu bạn sống ở nơi khác.
- Nếu bạn không muốn một sự nghiệp A+, đừng đến vùng vịnh San Francisco. Ở đây sẽ có mức chi phí sinh hoạt vô cùng đắt đỏ. Tôi nói nghiêm túc đấy. Nó cũng xứng đáng vì bạn sẽ có hàng tấn tùy chọn nghề nghiệp ở đây. Nhưng nếu bạn chỉ muốn một sự nghiệp vừa vừa, dạng tà tà kiếm cơm đủ nuôi vợ con, thì có những thành phố khác với mức sinh hoạt phải chăng hơn mà bạn cũng được làm trong lĩnh vực công nghệ (ví dụ như Seattle chẳng hạn). Một lập trình viên giỏi có thể mua một căn nhà đẹp ở Seattle. Điều này thì thật khó khi bạn sống tại vịnh San Francisco.
- Nếu bạn không muốn trở thành một lập trình viên mãi mãi, thì nên chuyển nghề nhanh chóng. Có rất nhiều giá trị trong việc trau dồi chuyên môn kỹ thuật thật sâu. Nhưng không quan trọng việc bạn đã trải qua 2 hay 7 năm với tư cách là một lập trình viên. Sau vài năm tốt nghiệp đại học và đi làm, hãy xem xét lại và đưa ra sự lựa chọn. Bạn có muốn trở thành một lập trình viên trong 10, 20, 30 năm tới – hay không? Nếu câu trả lời là không, thì hãy chuyển nghề ngay lúc này. Thêm thời gian ngồi nán lại sẽ không giúp ích bạn nhiều khi chuyển sang nghề khác.
- Nếu muốn bỏ việc thì nên hành động thật nhanh. Khi tôi quan sát bạn bè của mình, những người đã chuyển việc, gần như tất cả trong số họ đã suy nghĩ về việc đổi nghề trong 6 đến 12 tháng. Một số đã nán lại 2 hoặc 3 năm sau khi họ bắt đầu nói rằng họ muốn bỏ nghề. Họ đã lãng phí quá nhiều thời gian bởi một sức ì không muốn thay đổi. Nếu bạn đang suy nghĩ về việc bỏ nghề, thì hãy hành động ngay bây giờ đi. Bắt đầu xin việc ở nơi khác – hoặc có thể bỏ ngang xương luôn cũng được. Bạn sẽ chẳng thể thành công nếu bạn không hạnh phúc trong công việc của mình, và có một chi phí cơ hội lớn trong việc ở lại.
Đối xử với những người khác
- Phải luôn giữ chữ tín. Nếu bạn cố gắng để lừa lọc và gian dối, điều đó sẽ ám ảnh bạn. Hãy làm những điều đúng đắn trong cuộc sống. Đó không phải chỉ là một điều tốt để làm, mà đó cũng là một việc làm thông minh. Mọi người sẽ tin tưởng và quý bạn nhiều hơn. Nhiều cánh cửa cơ hội sẽ mở ra trước mắt bạn – và những cánh cửa đó có thể là những bước đột phá trong sự nghiệp của bạn.
- Giúp đỡ người khác. Khi có thể, hãy giúp những người yêu cầu trợ giúp. Những người nhờ bạn giúp đỡ lúc này nhiều khả năng sẽ giúp lại bạn trong tương lai. Sự “giúp đỡ” đó có thể là giới thiệu bạn với bạn bè của họ, những người có thể giúp bạn một cách trực tiếp. Vì vậy, ngay cả khi bạn không nhìn thấy người đó sẽ giúp ích cho bạn điều gì, thì bạn cũng không biết bạn bè của họ là ai phải không nào?
- Kết bạn với nhiều người. Bạn thực sự không thể thành công một mình được. Nếu bạn là một doanh nhân thì bạn cần nhân viên và các mối quan hệ làm ăn. Nếu bạn là một nhân viên, thì bạn cần một công việc. Dù sao đi nữa thì những người bạn sẽ là chìa khóa để mở ra những cơ hội mới. Những người bạn, dù ở xa hay gần, đều hình thành nên một phần quan trọng của mạng lưới quan hệ, cho dù đó là một người bạn gặp nhau tại một buổi meetup và chưa bao giờ nói chuyện trở lại.
Theo đuổi thành công
- Nhận ra rằng tất cả chúng ta đều có hội chứng kẻ mạo danh. Ngay cả các doanh nhân và kỹ sư thành công nhất (với rất ít ngoại lệ) đều cảm thấy như họ chỉ là “gặp may” và gần như không tài giỏi như mọi người nghĩ, và rằng sớm muộn gì họ sẽ bị “phát hiện”. Đó là “hội chứng kẻ mạo danh” mà ai cũng gặp phải, và bạn phải nhận ra rằng cảm giác mình là một kẻ “gian lận” không có nghĩa bạn đúng là như vậy.
- Bắt đầu một cái gì đó. Hãy thể hiện sáng kiến của mình. Những điều tốt đẹp sẽ đến với những ai sống mà không chờ đợi. Hãy tìm kiếm những cơ hội mới. Bắt đầu nhứng thứ như – tham gia một cuộc thi hackathon, một câu lạc bộ, một dự án, một công ty, một nhóm chạy mới, hay bất cứ điều gì. Bạn sẽ học hỏi được rất nhiều từ chúng và nó sẽ mở ra cho bạn nhiều cánh cửa cơ hội mới.
- Chấp nhận rủi ro. Nắm bắt những cơ hội. Khi bạn nhận thấy cơ hội tiềm năng, hãy nắm bắt lấy nó. Hãy làm hết sức mình với nó. Xem nó sẽ dẫn bạn đi đến đâu. Đừng bỏ đi chỉ vì bạn không biết chính xác nơi mà nó sẽ đến.
- Nên có khuynh hướng nói “có”. Một sự nghiệp lớn bao giờ cũng xoay quanh các khoảnh khắc “đột phá”. Vấn đề là bạn thường không thể nhận ra trước những khoảnh khắc đó. Bạn không biết nơi mà một cuộc gặp mặt nào sẽ mở ra cho bạn một cơ hội mới. Bạn sẽ không biết rằng, vài tháng sau khi gặp mặt, một người nào đó sẽ giới thiệu bạn với một đối tác kinh doanh tuyệt vời. Bởi vậy hãy duy trì một khuynh hướng mạnh dạn nói “có” với mọi việc.
Techtalk via Techmaster