Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Phi đội máy bay không người lái tàng hình đặc biệt của Hàn Quốc

Phi đội máy bay không người lái tàng hình đặc biệt của Hàn Quốc

Hàn Quốc lên kế hoạch phát triển hệ thống tổ hợp máy bay có người lái song kích cùng UAV, tạo nên phong cách tác chiến mới lạ.

 

Hàn Quốc lên kế hoạch phát triển hệ thống tổ hợp máy bay có người lái song kích cùng UAV, tạo nên phong cách tác chiến mới lạ.

 

Tổ hợp mới lạ

Vừa phát triển thành công máy bay chiến đấu KF-21 sản xuất trong nước, Hàn Quốc đã đặt mục tiêu phát triển máy bay không người lái "tàng hình" có thể góp phần vô hiệu hóa hệ thống phòng không dày đặc của đối thủ.

Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc (ADD) hồi đầu tháng này đã chọn Korean Air là nhà thầu ưu tiên so với Korea Aerospace Industries, nhà phát triển KF-21, cho dự án phát triển "phi đội máy bay không người lái tàng hình (UAV)".

Korean Air cho biết: "ADD bắt đầu phát triển phi đội UAV vào tháng 11 năm ngoái và đã hoàn thành thiết kế cơ bản. Cơ quan này có kế hoạch làm việc về thiết kế chi tiết với Korean Air".

Korean Air sẽ phát triển một "hệ thống phối hợp không người lái", trong đó một máy bay có người lái được hỗ trợ bởi ba đến bốn UAV tàng hình để cùng thực hiện các nhiệm vụ khác nhau bao gồm không chiến, tấn công không đối đất và giám sát.

"Phi đội UAV không chỉ hỗ trợ và hộ tống máy bay có người lái, mà còn có thể thực hiện các nhiệm vụ riêng bao gồm giám sát, tác chiến điện tử và tấn công chính xác", hãng nhấn mạnh.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các cuộc xung đột trên thế giới đang cho thấy máy bay không người lái là một phần không thể thiếu, với hàng nghìn UAV quân sự được các bên sử dụng.

"UAV rõ ràng sẽ đóng vai trò là nhân tố quyết định trong mọi cuộc chiến và tất cả các quốc gia bao gồm cả các siêu cường – Mỹ, Trung Quốc và Nga - đều nỗ lực để phát triển các hệ thống tác hợp nhóm không người lái như vậy", Shin Jong -woo, nhà phân tích quốc phòng tại Diễn đàn Quốc phòng Hàn Quốc nêu quan điểm.

Hàn Quốc đã và đang phát triển các loại UAV bao gồm máy bay trực thăng tấn công không người lái và máy bay giám sát trong khoảng một thập kỷ trở lại đây.

"Nhưng vấn đề là phát triển các hệ thống phối hợp có người lái và không người lái có độ tinh vi cao, sử dụng trí tuệ nhân tạo hàng đầu và phần mềm cực kỳ phức tạp, điều sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức", chuyên gia này nói với This Week in Asia.

"Không ai có thể đoán được khi nào Hàn Quốc có thể phát triển một hệ thống như vậy."

 

Có đáng đầu tư

Lee Il-woo, nhà phân tích quốc phòng tại Korea Defense Network, cho biết khái niệm máy bay "bám càng" - phương tiện không người lái tháp tùng máy bay có người lái tham gia các nhiệm vụ chiến đấu - đã tạo được sức hút trên toàn cầu.

Có thể kể đến chương trình Skyborg của Không quân Mỹ dự kiến phát triển các máy bay không người lái hỗ trợ các máy bay chiến đấu có người lái.

Lee cho biết các máy bay không người lái như Kratos XQ-58 Valkyrie và Boeing Australia MQ-28 Ghost Bat đã được phát triển theo ý tưởng này.

"Việc tăng cường UAV cũng có sức hấp dẫn rõ ràng đối với Hàn Quốc, vì nước này không có phương tiện đáng tin cậy nào để vô hiệu hóa hệ thống phòng không dày đặc của các đối thủ", chuyên gia Lee nói, nhấn mạnh rằng Hàn Quốc hiện đang phụ thuộc vào các thiết bị của Mỹ.

Giá trị của máy bay không người lái còn đến từ chi phí bảo trì không đáng kể và không cần mất quá trình đào tạo phi công như máy bay có người lái.

"Chúng có thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu tiền tuyến trong khi các phương tiện có người lái lùi về phía sau nhằm đảm bảo an toàn trước sự tấn công của kẻ thù. Điều này giúp làm tăng đáng kể phạm vi hoạt động của không quân", Lee nói.

"Nhưng tôi nghĩ rằng sẽ mất ít nhất 10 năm để Hàn Quốc kết hợp KF-21 (máy bay chiến đấu có người lái) với các UAV cho một hệ thống tổ hợp có người lái và không người lái". Trong khi Mỹ có thể tích hợp F-35 tàng hình với UAV trong vài năm tới.

Hàn Quốc hiện có 40 máy bay chiến đấu F-35A và sẽ mua thêm 20 chiếc từ Mỹ trong khuôn khổ dự án mua máy bay chiến đấu tàng hình của nước ngoài từ năm 2023 đến 2028.

Tuy nhiên, cả hai chuyên gia Lee và Shin đều đặt ra câu hỏi trước những gợi ý rằng các UAV tàng hình có thể được sử dụng cho các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các mục tiêu trọng yếu của đối thủ.

"UAV quá nhỏ để mang bom phá boong-ke trong khi một chiếc F-35 có thể mang hai bom 900kg để phá boong-ke bê tông", chuyên gia Lee so sánh.

GenK.

 

 

Similar blogs