Bài viết là chia sẻ của nhiếp ảnh gia Lee Thirkellson
Từ nhỏ tôi đã luôn có niềm đam mê với công nghệ. Tôi được sử dụng máy tính rất sớm, và ngay sau đó đã được học code lúc 7 - 8 tuổi. Từ niềm đam mê máy tính tôi bắt đầu cảm thấy thích cả smartphone, hệ thống TV, cứ có sản phẩm công nghệ nào là tôi đều muốn mày mò tìm hiểu. Máy ảnh lúc nào tôi cũng sở hữu một chiếc trong hơn 20 năm qua, dù đó là máy ảnh du lịch point-and-shoot, DSLR hay mới đây nhất là máy ảnh không gương lật. Trong đó chiếc máy ảnh 'chuyên nghiệp' đầu tiên tôi sở hữu là Nikon D5200 được vợ tôi tặng từ 2014.
Tôi vẫn nhớ rõ nói với Louise (vợ tôi) rằng tôi luôn có niềm đam mê với nhiếp ảnh nhưng chưa bao giờ luyện tập một cách nghiêm túc vì không có sự hỗ trợ của những người xung quanh, ngay sau đó cô ấy dẫn tôi đến cửa hàng máy ảnh Currys và nói rằng "hãy chọn cho mình một chiếc máy ảnh đi". Tôi cảm thấy rất vui với kỷ niệm này.
Lúc này tôi chưa có bất cứ kiến thức nào về máy ảnh cả, nên sự lựa chọn cuối cùng dựa vào số tiền mà chúng tôi có. Sau cả một buổi chiều nhìn ngắm những sản phẩm tại cửa hàng, tôi chọn cho mình chiếc Nikon D5200. Không phải vì tôi thích một thông số kỹ thuật nào của nó cả, chỉ là tôi cảm thấy thích kiểu dáng, cảm giác cầm nắm và nó nằm trong tầm tiền mà thôi.
Tôi cảm thấy thích ngay từ lần đầu cắm ống kính kit lên và bắt đầu chụp. DSLR mở ra cho tôi nhiều cơ hội sáng tạo hơn trong nhiếp ảnh, khi tôi có thể đổi ống kính để đổi tiêu cự, chụp ảnh xóa phông hay khả năng chỉnh sửa lại bức ảnh bằng phần mềm sau khi đã chụp. Đây là một vài bức ảnh tôi chụp được trong vài tháng sau khi mua chiếc máy ảnh D5200:
Từ đó đến nay niềm đam mê với nhiếp ảnh của tôi vẫn không hề phai mờ, tôi vẫn luôn hào hứng với việc ra đường sáng tạo những bức ảnh mới giống y như 2014. Nhưng có một điều luôn luôn thay đổi: những chiếc máy ảnh mỗi khi tôi chụp.
Hành trình của tôi
Tôi chuyển từ chiếc D5200 sang Fujifilm X100T để chụp những bức hình hàng ngày, và sau đó là D750 cho các mục đích chuyên nghiệp hơn như chụp ảnh cưới. Việc chuyển từ cảm biến APS-C sang Full-frame tạo nên nhiều sự khác biệt, nhưng cũng đồng nghĩa với việc máy ảnh và ống kính trở nên to nặng, cồng kềnh hơn.
Khả năng nhiếp ảnh của tôi có cải thiện qua thời gian hay không? Tôi sẽ nói là có. Bằng việc đi chụp nhiều hơn và có những thiết bị mạnh mẽ hơn, tôi có thể tạo ra các bức ảnh đẹp trong nhiều trường hợp khác nhau. Vẫn như thường lệ, bạn làm một cái gì đó nhiều thì bạn sẽ càng quen tay.
Trong những năm gần đây tôi cảm thấy thích thú với máy ảnh không gương lật, và loại máy ảnh này đã thay đổi cách tôi chụp ảnh. Tôi có trong tay những tính năng mới như điểm lấy nét có ở toàn khung chụp, ống ngắm điện tử EVF, chống rung cảm biến IBIS và hệ thống lấy nét tốc độ cao.
Với máy ảnh không gương lật thì khả năng chụp ảnh của tôi có nâng cao hơn hay không? Một lần nữa thì câu trả lời là có. Loại máy ảnh này cho phép tôi thấy được bức ảnh cuối cùng, nhờ đó không còn những lần chụp ảnh cháy sáng, bị tối, tôi có thể để tâm tới những thứ khác như lấy nét, căn chỉnh khung ảnh. Những chiếc máy ảnh này không trực tiếp làm những bức ảnh của tôi đẹp hơn, nhưng chúng giúp cho việc chụp hình trở nên dễ dàng hơn.
Sau khi thử nghiệm với Sony, tôi cũng đã chuyển hệ máy tới Fuji, Ricoh và trở lại với Nikon. Việc tôi chuyển hệ máy là để thử những trải nghiệm người dùng của từng hãng. Máy ảnh hiện nay thật là hiện đại và tất cả đều có khả năng phục vụ tốt cho nhu cầu sử dụng hàng ngày, nên sự khác biệt lớn nhất hiện nay là tính tiện dụng - chiếc máy ảnh đó cầm nắm nay thế nào, nó có làm tôi cảm thấy hào hứng khi chụp hình hay không.
G.A.S là gì?
G.A.S (Gear Acquisition Syndrome) là thuật ngữ mà các nhiếp ảnh gia thường dùng để bông đùa với nhau, nói về những người thường thay đổi máy ảnh liên tục, bỏ tiền mua nhiều sản phẩm nhiếp ảnh. Đối với tôi thì đây không phải là điều gì đáng để xấu hổ cả. Hiện tại tôi đang sở hữu tới 8 chiếc máy chơi game console khác nhau và mỗi chiếc lại đem tới cho tôi một trải nghiệm khác biệt. Điều tương tự cũng đúng với máy ảnh.
Khi mới bắt đầu, việc tôi nâng cấp máy ảnh là để có những tính năng mới như tốc độ lấy nét cao hơn hay lấy nét mắt (Eye AF)... Tuy vậy những dòng máy mới cũng có những yếu điểm riêng, như những chiếc máy từ Sony không cho cảm giác 'nhiếp ảnh vật lý' như chiếc D5200 mà tôi mua từ 2014. Hay dòng máy Ricoh thật là nhỏ gọn nhưng màn hình lại cố định ở một chỗ khiến việc chụp những bức ảnh ở góc khó càng trở nên khó hơn. Đôi khi có những thứ tôi không thể thấy được trên bảng thông số kỹ thuật, mà phải sử dụng trên thực tế mới thấy được.
Có lẽ chúng ta đều có thể đồng ý rằng qua những sự kiện của 2020, mọi người sẽ có cái nhìn khác về nhiếp ảnh cũng như những thiết bị để phục vụ môn nghệ thuật này. Từ tháng 3 năm 2020 tôi bắt đầu làm việc tại nhà, và ngồi làm việc bên cạnh tới 7 hệ thống máy ảnh khác nhau, trong đó có tới nửa tôi đến nay đã không sử dụng vì niềm yêu thích với chúng đã vơi dần. Vậy thì tại sao tôi vẫn sở hữu chúng? Chính vì vậy mà từ 7 hệ thống khác nhau tôi đã rút gọn còn 2!
Liệu bạn có mắc hội chứng G.A.S hay không?
Liệu rằng tôi có mắc hội chứng G.A.S hay không? Nó phụ thuộc vào cách nhìn nhận của bạn.
Đối với tôi thì người mắc hội chứng G.A.S là người mua thật nhiều thiết bị và nghĩ rằng như vậy sẽ làm họ có thể lập tức chụp ảnh đẹp hơn. Mặc dù tôi biết rằng điều này là không hoàn toàn đúng, việc sở hữu những thiết bị mới hơn cũng giúp cho việc chụp được những bức ảnh đẹp dễ dàng hơn. Tuy vậy thì việc mua thiết bị để mong 'mua' được kinh nghiệm chụp ảnh khác hoàn toàn với việc mua chúng vì muốn có những trải nghiệm mới, hoặc bạn thích kiểu dáng của một chiếc máy nào đó.
Ví dụ trong năm nay tôi mong muốn sở hữu được chiếc Leica Q2. Tôi có thực sự cần chiếc Leica Q2 không? Không! Nó có thể cải thiện chất lượng hình ảnh của tôi một cách rõ rệt hay không? Không! Lý do tôi muốn mua chiếc máy ảnh này là vì nó làm tôi cảm thấy thích thú. Tôi đã từng ao ước có được chiếc Leica Q thế hệ đầu tiên nhưng chưa bao giờ có đủ tiền cả. Và giờ điều kiện tài chính đã cho phép tôi muốn được sở hữu phiên bản kế nhiệm của nó, với điểm cộng kèm theo là nó sở hữu cảm biến với độ phân giải cao.
Leica Q2
Có lẽ lý do để mua máy ảnh mới của tôi đã có sự thay đổi so với ngày xưa. Thay vì theo đuổi những tính năng trên giấy, những chiếc máy ảnh mà tôi muốn mua hiện nay phải giải đáp cho 2 câu hỏi: "Nó sẽ được sử dụng cho mục đích gì?" và "Tôi thực sự có muốn thêm nó vào bộ sưu tập hiện tại của mình hay không?". Tất cả chỉ vậy thôi!
Tôi không có quá nhiều mục đích sử dụng cho chiếc Leica Q2, nhưng nó lại là một chiếc máy ảnh mà tôi rất muốn thêm vào bộ sưu tập của mình. Ngược lại hãy thử so nó với một chiếc máy mà tôi không có ý định mua: Fujifilm GFX100S. Đây là một chiếc máy ảnh thực sự hiện đại với cảm biến Medium Format độ phân giải 100MP, nhưng tôi rất hiếm khi phải in ảnh khổ lớn mà thường chia sẻ chúng online. Mua một chiếc máy với độ phân giải cao chỉ để đăng ảnh lên mạng thì thật là phí hoài.
Fujifilm GFX100S
Chiếc máy này vẫn khá cồng kềnh, mặc dù nó đã nhỏ gọn hơn những chiếc máy GFX trước đó. Tôi có một chiếc Nikon Z6 II, và nói thật rằng tôi sẽ chọn nó cho việc chụp ảnh hàng ngày trước khi 'động' vào chiếc Fujifilm GFX100S vì những lý do kể trên. Chiếc máy ảnh đó không thực sự hữu dụng với tôi, và tôi cũng không cảm thấy phải thêm nó vào bộ sưu tập của mình, chính vì vậy tôi sẽ không mua nó.
Tôi không muốn 'kỳ thị' việc mọi người sử dụng gì để chụp ảnh cả, dù đó là smartphone, máy ảnh du lịch, máy ảnh không gương lật với các loại cảm biến khác nhau.. điều quan trọng nhất vẫn là bức ảnh cuối cùng. Mặc dù tôi rất thích việc mua máy ảnh và thực sự đam mê về khía cạnh phần cứng, nhưng điều quan trọng nhất trong nhiếp ảnh vẫn là hình ảnh, là khoảnh khắc mà bạn chụp được. Tôi đã từng tranh cãi với những người trên mạng về việc máy ảnh Fuji, Nikon hay Sony tốt hơn, nhưng cuối cùng đây là những cuộc tranh cãi vô nghĩa.
Đúng, kĩ năng chụp hình của tôi đã tăng lên mỗi khi tôi nâng cấp máy ảnh, nhưng đó phần lớn là do luyện tập, học những kỹ năng mới qua mạng, nói chuyện với những nhiếp ảnh gia khác. Đên cuối cùng, phần cứng cũng không thể làm nên được một nhiếp ảnh gia giỏi.
Lời kết
Vậy mục đích của bài viết này là gì? Đầu tiên, nếu bạn nghĩ rằng việc sưu tầm những chiếc máy ảnh, ống kính mới sẽ làm ảnh của bạn tự nhiên đẹp hơn thì hãy thay đổi suy nghĩ. Nhưng nếu bạn mua thiết bị vì đó là niềm đam mê của bạn, và bạn thực sự có mục đích sử dụng thực tế dành cho chúng thì đừng ngần ngại chi tiền để sở hữu chúng.
Có những người sẽ gièm pha chuyện bạn mua thiết bị mới và bạn nên bỏ ngoài tai những người này. Tiền của bạn là... tiền của bạn, hãy tiêu vào những gì mà bạn muốn. Nhưng ngược lại, hãy suy nghĩ thật kỹ mỗi khi bỏ tiền ra mua các thiết bị mới vì rất có thể một ngày bạn sẽ nhìn lại và thấy chúng có phần thừa thãi, không đem lại lợi ích gì cho bản thân cả.
Nguồn: Genk.vn