Đầu tháng 1, Qualcomm cho biết Cristiano Amon sẽ đảm nhận vị trí CEO mới củacủa công ty từ ngày 30/6/2021. Và mới đây trong một chia sẻ với truyền thông, Amon đã có một vài điều nhắc đến Huawei, một trong những khách hàng lớn của công ty này.
Theo đó trong một webcast với nhà phân tích Rod Hall đến từ Goldman Sachs, Amon cho rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei có thể giúp giảm bớt căng thẳng về tình trạng thiếu chất bán dẫn.
Điều này có thể giải thích vì Huawei là một trong những đối tác quan trọng của TSMC. Việc chính phủ Mỹ gây sức ép khiến TSMC không thể sản xuất chip Kirin đời mới cho Huawei phần nào giúp giảm nhu cầu linh kiện trên toàn cầu. Trước đó, TSMC đã phải tạm dừng các đơn đặt hàng chip cho Huawei vào năm 2020 vì áp lực từ phía chính phủ Mỹ.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất xe hơi trên khắp thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu chất bán dẫn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết và việc nhiều công ty công nghệ Trung Quốc bị kìm hãm. Trên thực tế, tình hình tồi tệ hơn ở các quốc gia có nền công nghiệp xe hơi phát triển như Đức khi nhiều công ty xe hơi nước Đức đã phải tìm kiếm các giải pháp thay thế TSMC.
Ngoài ra, tình trạng thiếu chip cũng làm tăng thêm nhu cầu về các thành phần quan trọng trong smartphone, laptop, công nghệ tự động hóa, mạng viễn thông, v.v. Nhu cầu này dự kiến sẽ tăng lên và kéo dài cho đến cuối năm 2021.
Amon cho rằng, nhu cầu chip từ Qualcomm đang tăng mạnh so với trước đây. Trên thực tế, doanh thu của công ty từ tháng 10 đến tháng 12/2020 (tức quý tài chính Q1/2021) đã tăng trưởng lên tới 62%.
Qualcomm đang rất quan tâm đến các nhà máy sản xuất bán dẫn của TSMC và Samsung cũng đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy ở Mỹ. Mặc dù bị cấm hợp tác với Huawei nhưng Qualcomm vẫn có thể tiếp tục mối quan hệ với thương hiệu con Honor đã bị bán đi gần đây của Huawei.
Cuối cùng, Amon cho rằng tranh chấp về chất bán dẫn giữa Mỹ-Trung sẽ mất khá nhiều thời gian để giải quyết cho tới khi tìm được giải pháp cuối cùng.
Nguồn: Genk.vn