Vào một ngày đẹp trời khi đang làm dự án mới, một kỹ sư người Nhật đã đáp cho tôi một đường dẫn đến bài viết “Good Tech Lead, Bad Tech Lead”. Sau khi đọc xong, tôi cảm thấy đây là một bài viết hay và muốn được chia sẻ tới mọi người.
Để so sánh giữa sự “tốt” và “tồi” của một tech lead, chúng ta có thể xem các khía cạnh sau đây:
Làm việc nhóm
Tech lead tốt sẽ hành động như một thành viên, và coi mình thành công khi cả nhóm thành công. Anh ta sẽ lấy những việc khó khăn và dẹp những trở ngại để cho nhóm có thể hoạt động với công suất 100%. Anh ta làm việc để mở mang kiến thức cho cả nhóm, đảm bảo rằng kiến thức quan trọng của hệ thống không bị tập trung vào một hai cá nhân.
Tech lead tồi sẽ lấy những công việc có sự chú ý cao (high-profile) và nguồn cảm hứng duy nhất để anh ta làm đó là nhận được sự vẻ vang khi hoàn thành công việc đó.
Tầm nhìn kỹ thuật
Tech lead tốt có cái nhìn toàn diện cho hướng đi kỹ thuật của sản phẩm và đảm bảo rằng cả nhóm hiểu điều đó. Anh ta uỷ thác việc quyết định các tính năng sản phẩm cho thành viên khác. Anh ta nhận thấy sự thông minh của thành viên trong nhóm, tin tưởng họ và giao cho họ xử lý những mảng quan trọng của dự án.
Tech lead tồi tìm cách thoái thác việc giải thích và xác nhận về hướng đi kỹ thuật, thay vào đó là ra lệnh thực hiện những quyết định của bản thân. Anh ta giữ những kiến thức quan trọng cho riêng mình, điều này không đem lại hiệu quả trong công việc vì kiến thức không được chia sẻ rộng rãi dưới dạng các tài liệu.
Thảo luận và tranh luận
Tech lead tốt lắng nghe và khuyến khích tranh luận. Khi cả nhóm không thể giải quyết được một cuộc tranh luận, anh ta sẽ đưa ra một hình thức suy nghĩ mà có thể giúp nhóm giải quyết. Anh ta không tham gia thảo luận với một kết luận có trước mà luôn cho phép bản thân mình bị thuyết phục với những ý tưởng hay.
Tech lead tồi cho phép tranh luận kéo dài quá lâu mà không đi tới kết luận, làm cản trở năng suất của nhóm. Một số thì cắt ngang tranh luận quá sớm, kết thúc tranh luận bằng câu nói “mọi việc đã được quyết định từ trước”. Đối với tech lead tồi thì việc thắng trong tranh luận quan trọng hơn là nhóm đi đến một quyết định đúng đắn.
Quản lý dự án
Tech lead tốt là người chủ động. Anh ta đảm bảo tiến độ kỹ thuật. Anh ta làm việc cùng nhóm để ước lượng và xác định các milestone trung gian. Anh ta lường trước những rủi ro và đảm bảo rằng chúng được xem xét trước khi chúng trở thành một vấn đề. Anh ta xác định những rào cản kỹ thuật và giúp nhóm vượt qua những rào cản đó.
Tech lead tồi là người thụ động. Anh ta có thể giao phó công việc nhưng không theo dõi để đảm bảo tiến độ. Anh ta không đặt những milestone trung gian và hy vọng rằng mọi thứ sẽ kết nối lại với nhau vào phút cuối. Anh ta đợi đến trước khi tung sản phẩm mới thực hiện tests từ đầu tới cuối của hệ thống phức tạp. Anh ta cho phép thành viên lãng phí thời gian vào những điều thú vị nhưng không quan trọng.
Tính thực dụng
Tech lead tốt là người thực tế và đảm bảo sự cân bằng giữa việc làm tốt và việc hoàn thành. Anh ta chọn việc làm tắt khi nó tiện lợi chứ không phải vì lười nhác. Anh ta khuyến khích nhóm tìm ra các đường tắt tạm thời để giải quyết những vấn đề cản trở tiến độ chung, và xây dựng cơ sở hạ tầng ở mức thấp nhất có thể hoạt động được. Đối với một tech lead tốt thì chi tiết rất quan trọng. Chất lượng code, code review và kiểm thử quan trọng không kém việc hoàn thành đúng thời hạn.
Tech lead tồi đi đường tắt để tiết kiệm thời gian cho ngắn hạn nhưng tốn kém cho dài hạn, và để cho “món nợ kỹ thuật” tăng dần. Anh ta không thể phân biệt giữa những trường hợp nên theo sự tiện lợi và trường hợp nên theo sự hoàn hảo.
Liên lạc, giao tiếp
Tech lead tốt biết rằng vai trò của anh ấy quan trọng hơn là viết code, biết rằng giao tiếp hiệu quả là một phần thiết yếu của công việc, biết rằng thời gian dành cho việc làm nhóm hiệu quả hơn là thời gian không hoài phí. Anh ta nhận thức rằng chi phí cho việc liên lạc là cần thiết khi hoạt động nhóm, và anh ta hy sinh năng suất của bản thân mình cho năng suất chung của nhóm.
Tech lead tồi tin rằng anh ta là người năng suất nhất khi viết code, and nghĩ rằng giao tiếp, liên lạc là điều gây sao nhãng. Anh ta không tối ưu cho năng suất chung của nhóm, mà cho điều tốt nhất đối với anh ta. Anh ta trở nên cau có khi phải dành thời gian dẫn dắt nhóm.
Mối quan hệ với sản phẩm
Tech lead tốt sẽ có thảo luận với product manager và designer về vấn đề sản phẩm nên hoạt động ra sao. Anh ta không sợ việc phải chống lại những quyết định anh ta bất đồng, nhưng vẫn giữ ý nghĩ về mục tiêu của sản phẩm và biết khi nào nên dàn xếp để đạt được chúng. Anh ta phát hiện ra những lối đi vòng sáng tạo để cho những bó buộc về mặt kỹ thuật bị giảm đi, giúp cho project manager và designer hiểu được thử thách về kỹ thuật.
Tech lead tồi phó thác quyết định về sản phẩm cho người khác và không nhận sở hữu sản phẩm. Anh ta thoái thác vì những bó buộc kỹ thuật nhưng không đưa ra phương án khác hay lời giải thích.
Độ thích ứng
Tech lead tốt thích ứng tốt với sự thay đổi của yêu cầu sản phẩm và phản ứng điềm tĩnh trước những bất ngờ. Anh ta lường trước nơi mà thay đổi xảy ra và thiết kế code để xử lý chúng.
Tech lead tồi bực tức khi yêu cầu thay đổi và cho rằng sẽ không có gì thay đổi đâu khi thiết kế sản phẩm.
Tính cách
Tech lead tốt dễ tính nhưng quyết đoán. Tech lead tồi thường thích đối chất và hung hăng. Tech lead tốt hành xử tự nhiên và giành được sự kính trọng thông qua khả năng và công việc. Tech lead tồi nghĩ rằng danh hiệu nghiễm nhiên có được sự kính trọng và uy quyền. Tech lead tốt luôn tìm kiếm cách để cải thiện.
Tech lead tồi luôn trong trạng thái phòng thủ khi nhận được phản hồi. Tech lead tốt là người khiêm tốn và giúp nhóm nâng sự tự tin lên. Tech lead tồi là người kiêu ngạo và thấy vui vẻ khi làm cho thành viên có cảm giác “bề dưới”.
Lời kết
Trong lúc làm việc, đôi khi ta không nhận ra mình là người tốt hay xấu, nhưng hy vọng khi đọc xong bài viết này các bạn có thể lùi lại một bước và đánh giá xem cách hành xử của mình với những đồng nghiệp cấp dưới đã giúp cho họ có một môi trường phát triển chưa?
Techtalk via Viblo