Vào khoảng 1 tháng trước, Adobe đã bỏ sung tính năng 'Độ phân giải cao' cho phần mềm chỉnh sửa ảnh Photoshop của mình, cho phép người dùng nâng cấp độ lớn của ảnh mà không gây ra những hiện tượng vỡ, nát hay thêm nhiễu. Những thử nghiệm ban đầu với ảnh chụp từ máy ảnh cho thấy nó hoạt động khá hiệu quả.
Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu tính năng này có dùng được với những bức ảnh từ smartphone hay không? Theo như lời giới thiệu của Adobe, tính năng Độ phân giải cao được tối ưu hóa để hoạt động với ảnh RAW, một tính năng thường thấy trên máy ảnh hơn. Tuy vậy AI cũng được huấn luyện để làm việc với các tệp JPEG và HEIC (tệp riêng dành cho iPhone), những dạng ảnh đã được qua xử lý bởi phần mềm của smartphone.
Giống như máy ảnh thì smartphone thời gian gần đây đang có những bước tiến vượt bậc về độ phân giải. Kể cả những smartphone tầm trung cũng có cảm biến 48-megapixel, 64-megapixel, những dòng máy cao cấp của Samsung hay Xiaomi còn có cảm biến lên tới 108-megapixel. Tuy vậy chất lượng ảnh vẫn luôn có thể được nâng cấp thêm, đặc biệt đối với mục đích zoom, cắt ghép hoặc thậm chí là in ấn để treo tường.
Nhưng khác với máy ảnh, smartphone khi chụp hình sẽ dựa nhiều vào những thuật toán chỉnh sửa trong máy như HDR, làm nét, chỉnh sửa màu... Việc tính năng Độ phân giải cao có thể hoạt động được tốt như với ảnh RAW hay không chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Phân tích điểm ảnh
Eric Chan, nhà khoa học ảnh kỹ thuật số tại Adobe đã chia sẻ thêm một vài những thông tin về cách hoạt động của tính năng Độ phân giải cao:
"Chúng tôi đã huấn luyện AI của tính năng Độ phân giải cao để hoạt động được với nhiều kích thước cảm biến, kích thước điểm ảnh khác nhau. Tuy vậy, tính năng này sẽ hoạt động hiệu quả nhất trên những ảnh chưa qua chỉnh sửa của máy ảnh so với ảnh JPEG của smartphone. Khả năng nâng cấp ảnh sẽ càng tăng khi nguồn đầu vào càng có chất lượng cao."
Ảnh gốc
Sau khi đã được xử lý bằng Độ phân giải cao
Có nhiều lý do để lý giải cho điều này. Smartphone sau khi chụp ảnh sẽ áp dụng một lớp chống nhiễu mạnh đặc biệt là trong điều kiện thiếu sáng, đôi lúc sẽ làm những chi tiết nhỏ bị mất đi. Adobe không thể khôi phục được những chi tiết này vì chúng đã mất đi hoàn toàn rồi. Những chi tiết vải trên quần áo có thể đã biến thành 1 màu duy nhất, ngay cả khi đã thực hiện nâng cấp độ phân giải.
Ảnh JPEG trên smartphone cũng đã qua một bước nén để giảm độ nặng của tệp, giúp cho việc đăng tải lên mạng dễ dàng hơn. Độ phân giải cao đôi lúc sẽ nhầm những hạt nhiễu trong quá trình nén là thông tin có trong ảnh, khiến chúng hiện càng rõ hơn thay vì làm sạch chúng đi. Đây là lý do tại sao Adobe nói rằng việc đưa hình ảnh đầu vào càng sạch sẽ càng cho ra chất lượng cao.
Chụp ảnh RAW trên smartphone
Ảnh chụp ở chế độ Apple ProRAW
Trong những smartphone cao cấp thế hệ mới, các nhà sản xuất đã cho phép người dùng chụp ảnh RAW để có thể giữ lại nhiều thông tin hơn, nhờ đó cũng giúp tính năng Độ phân giải cao hoạt động tốt hơn so với JPEG, HEIC.
"Với ảnh RAW trên smartphone, tính năng Độ phân giải cao có thể áp dụng một kỹ thuật được Adobe ra mắt từ 2019 là Tăng cường chi tiết (Enhanced Details) với khả năng làm nét hình ảnh ở từng điểm ảnh một trong quá trình chuyển đổi từ RAW sang JPEG."
Ảnh chưa được chỉnh sửa
Sau khi đã được nâng cấp với độ phân giải cao, ta thấy được thêm một vài chi tiết nhỏ
Để có thể có được chất lượng ảnh cao nhất, bạn có thể áp dụng Độ phân giải cao trong Photoshop sau đó chuyển tệp DNG để chỉnh sửa màu sắc, độ sáng tối trong Lightroom. Hoặc ngược lại, bạn cũng có thể chỉnh sửa ảnh ở Lightroom trước sau đó xuất tệp DNG để áp dụng Độ phân giải cao sau. Adobe đang có kế hoạch áp dụng Độ phân giải cao vào Lightroom Classic và Lightroom CC để người dùng không cần phải sử dụng tới 2 phần mềm khác nhau nhưng ngày ra mắt vẫn chưa được xác nhận.
So sánh với những máy ảnh DSLR thế hệ cũ
Như đã đề cập, nhiễu khi chụp ảnh với ISO cao (chụp đêm) khiến cho bức ảnh không còn sạch để tính năng Độ phân giải cao có thể hoạt động một cách hiệu quả nhất. Trên smartphone còn có tính năng chụp ảnh đêm Night Mode để giải quyết vấn đề này nhưng sau đó chúng cũng sẽ áp dụng những bước làm nét và giảm nhiễu thông qua phần mềm, cũng sẽ gây "khó dễ" với Độ phân giải cao.
Ảnh gốc
Ảnh sau khi được nâng cấp và chỉnh sửa màu bằng Lightroom
"Những tệp phù hợp nhất để nâng cấp chất lượng là các bức ảnh với mức ISO thấp nhất có thể, dù đó là ảnh RAW hay JPEG, và chưa qua bước xử lý nhiễu của máy. Ảnh gốc càng có chi tiết tốt thì sau khi được nâng cấp sẽ càng trở nên chi tiết hơn. Những bức ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng như bên trong một quán bar sẽ không thể tốt bằng ảnh chụp bên ngoài có nhiều ánh nắng được."
Ảnh chụp từ iPhone 7 Plus sau khi đã được nâng cấp
Chất lượng ảnh của smartphone hiện nay không thể so được với máy ảnh có cảm biến lớn được sản xuất cùng thời kỳ, vậy còn với máy ảnh DSLR thế hệ cũ thì sao? Những bức ảnh JPEG từ các dòng máy ảnh từ 2006 - 2007 vẫn có dải màu sắc (color gamut) rộng, đặc biệt là lượng nhiễu cũng ít hơn cả ảnh RAW của smartphone nên sẽ cho kết quả khả năng quan hơn với Độ phân giải cao.
Trải nghiệm thực tế
Hiện nay đã có rất nhiều nhà sản xuất sử dụng tệp DNG cho smartphone của mình, trong đó có Apple (được gọi là ProRAW) và những smartphone Android trong chế độ chụp chuyên nghiệp. Nhưng kể cả với ảnh JPEG thì Độ phân giải cao cũng đã cho kết quả khá tốt. Thử nghiệm nâng cấp bức ảnh nặng 1.2MB từ Pixel tính năng này cho ra một bức ảnh có độ nặng lên tới 126MB, tức chứa tới hơn 100 lần lượng thông tin.
So sánh kích thước ảnh gốc và đã được nâng cấp kích thước từ iPhone 12 Pro Max ở chế độ ProRAW
Hiện tại Adobe chỉ phát triển 1 chế độ nâng cấp hình ảnh là tăng kích thước lên 4 lần. Lý giải cho điều này, anh Chan chia sẻ: "Khi huấn luyện AI cho Độ phân giải cao, chúng tôi phải cố định kích thước nâng cấp ảnh nếu không quá trình xử lý sẽ chậm đi rất nhiều. Nếu như 4x lượng điểm ảnh là còn chưa đủ thì không biết rằng mọi người còn muốn những bức ảnh lớn như thế nào nữa?"
Lượng điểm ảnh sau khi nâng cấp được tăng lên 4 lần
Nguồn: Genk.vn