Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Vì sao các 'ông lớn' công nghệ không mặn mà với gaming phone?

Vì sao các 'ông lớn' công nghệ không mặn mà với gaming phone?

 

Ngược dòng thời gian, hãng điện thoại Nokia từng có tham vọng tấn công thị trường gaming phone khi ra mắt dòng sản phẩm N-Gage hồi năm 2003. Năm 2011, liên minh Sony Ericsson đã cho ra đời dòng điện thoại chơi game mang tên Xperia Play.

Tuy vậy, cả hai sản phẩm kể trên đều không thể gặt hái được thành công lớn trên thị trường nên sớm dừng sản xuất. Ngày nay, Nokia vẫn đang chật vật trong việc tìm lại ánh hào quang xưa, còn thương hiệu Xperia sau khi về tay Sony Mobile thì trở thành một dòng điện thoại thông thường.

Với một thị trường game mobile ước tính thu về 77,2 tỷ USD trong năm 2020, tăng 13,3% so với năm 2019, thật khó tin khi những nhà sản xuất gaming phone ngày nay lại không phải là những ông lớn.

Vì sao các ông lớn công nghệ không mặn mà với gaming phone? - Ảnh 1.

Các gaming phone nổi bật nhất trên thị trường hiện nay

Không phải Apple hay Samsung mà là những nhà sản xuất linh kiện máy tính như Nvidia, Razer, Asus và hiếm lắm mới thấy Xiaomi hay LG nhảy vào cuộc chơi gaming phone.

Gaming phone không phải handheld

Cuối thập niên 80, Gameboy của Nintendo đã mở ra một kỷ nguyên mới cho máy chơi game cầm tay handheld. Từ đó đến nay, Nintendo luôn là kẻ đi tiên phong ở thị trường này, bất chấp sự cạnh tranh quyết liệt đến từ Sony.

Điểm mấu chốt tạo nên thành công cho handheld hay console nói chung là sự độc quyền. Các máy này sở hữu một hệ điều hành đóng với các game độc quyền và chống game crack cực hiệu quả.

Vì sao các ông lớn công nghệ không mặn mà với gaming phone? - Ảnh 2.

Handheld có giá bán rẻ nhưng được bù đắp bằng doanh thu phần mềm

 

Vì thế, giá bán của những thiết bị (phần cứng) này có thể rẻ đủ ở mức mà nhà sản xuất chịu được lỗ và bù đắp bằng chi phí bán game (phần mềm). Phần cứng và phần mềm có chi phí cận biên khá ngược nhau, một cái càng bán nhiều càng lỗ còn một cái càng bán càng rẻ, nhờ đó bù đắp cho nhau và Nintendo hay Sony có được lãi khủng với hàng trăm triệu bản game đã bán ra trên handheld hay console.

Gaming phone là câu chuyện hoàn toàn khác. Android thuộc sở hữu của Google và hệ điều hành này rất mở. Khái niệm game độc quyền cho Android là gần như không tồn tại, chứ chưa nói gì đến game độc quyền cho gaming phone.

Do đó, giá bán của gaming phone thường đắt hơn đáng kể so với một chiếc smartphone chơi game thông thường, vì các nhà sản xuất không có nguồn thu trực tiếp nào từ phần mềm để bù đắp vào chi phí phần cứng.

Một số nhà sản xuất như Xiaomi chấp nhận chịu lỗ để chiếm lĩnh thị trường. Nhưng thực tế họ cũng không được hưởng lợi gì từ việc smartphone cấu hình cao chơi được nhiều game nặng. Thứ bù lỗ cho Xiaomi là bán quảng cáo hay app cài đặt sẵn (phần mềm) tích hợp trong hệ điều hành MIUI nhân Android.

Vậy còn Apple? Dù có một App Store độc quyền ăn 30% doanh thu từ nhà phát triển game, Táo khuyết không hề có động thái nào cho thấy sẽ nhảy vào làm gaming phone. Lý do trước tiên là bởi các mẫu iPhone hiện có giá rất đắt và nếu làm một chiếc điện thoại chơi game cấu hình cao, không biết liệu giá bán của nó còn đắt tới mức nào.

Gaming phone không giống smartphone

Thiết kế siêu mỏng và nhẹ, màn hình tràn viền, chống nước, màn vô cực, camera ẩn dưới màn hình, camera xóa phông là những thứ không thuộc về gaming phone. Thiết bị này cần màn hình tần số quét cao, cấu hình mạnh, pin trâu hơn là vẻ hào nhoáng của một chiếc smartphone thông thường.

Đáng tiếc, công nghệ hiện nay chưa thể làm cho một chiếc điện thoại cấu hình vừa cao, pin lại trâu và không nóng máy. Vì thế, người dùng vẫn phải vừa chơi vừa cắm sạc mới thỏa mãn được nhu cầu cày game liên tục, chứ chưa nói gì đến chơi trên gaming phone.

Vì sao các ông lớn công nghệ không mặn mà với gaming phone? - Ảnh 3.

Gaming phone vẫn cần sử dụng phụ kiện để chơi game mượt mà.

 

Còn nếu đã trót sắm gaming phone, người dùng phải sắm thêm phụ kiện như tản nhiệt, phím bấm cứng để tối đa hóa trải nghiệm. Những thứ này vốn dĩ càng khiến cho việc sắm sửa gaming phone vốn đã đắt càng thêm tốn kém.

Đấy là chưa kể trường hợp nếu game quá nặng, người chơi thường có xu hướng chạy bằng giả lập trên máy tính cấu hình cao là đủ. Nếu phải sắm sửa thêm một chiếc gaming phone có giá đắt ngang ngửa một chiếc card màn hình, rõ ràng sự đầu tư vào VGA là tối ưu hơn cả.

Game mobile vẫn rất đơn giản

Game engine hiện nay đã cho phép các nhà phát triển làm những game đồ họa bom tấn trên di động, nhưng không có quá nhiều tựa game AAA trên iOS hay Android. Lý do bởi vòng đời của sản phẩm game di động không cao, trong khi thị trường liên tục ra mắt game mới.

Vì sao các ông lớn công nghệ không mặn mà với gaming phone? - Ảnh 4.

Các game mobile đa phần đều rất nhẹ

 

Chính vì thế, những game mobile dẫn đầu doanh thu trên thế giới hiện nay có một phần lớn là những game đơn giản như Hay Day, Monster Strike, Puzzle & Dragons hay Candy Crush Saga. Một số trường hợp cá biệt như PUBG Mobile hay Lineage 2 R thực tế vẫn có thể chạy trên smartphone tầm trung hoặc như đã nói ở trên, chơi bằng giả lập.

Với một thị trường chưa sẵn sàng, các ông lớn rõ ràng không có nhiều lý do để nhảy vào một phân khúc sản xuất mà càng bán càng lỗ hoặc mức giá quá đắt không đủ hấp dẫn người mua. Ứng viên lớn nhất đủ mọi tiềm năng để làm được điều này là Apple, vốn dĩ, lại quan tâm hơn đến việc bán tai nghe, dây sạc, đồng hồ thông minh.

Nguồn: Genk.vn

Similar blogs