Tâm điểm của sự chú ý đang dồn vào Elon Musk. Việc thâu tóm Twitter đã phần nào ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của ông ở Tesla, ở đúng thời điểm quan trọng trong quãng thời gian hoạt động tương đối ngắn của công ty.
Hãng sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề. Điều này càng làm nổi bật những “khúc mắc” trong việc Tesla trở thành cái tên dẫn đầu về công nghệ trong lĩnh vực sản xuất ô tô, khiến các nhà phân tích và nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu hãng có thể tiếp tục thống trị thị trường xe điện hay không.
Tesla đang nỗ lực để tăng cường sản xuất tại các nhà máy mới ở Austin, Texas và bên ngoài Berlin. Các quy định phòng dịch Covid và chuỗi cung ứng gián đoạn đã khiến nhà máy của Tesla ở Thượng Hải liên tục phải đóng cửa.
Khi lãi suất tăng cao và rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu hiện hữu, nhu cầu đối với xe Tesla dường như đang giảm sút. Chỉ mới vài tháng trước, người mua vẫn sẵn sàng chờ đợi hàng tháng để có được một chiếc Tesla. Còn giờ đây, những chiếc xe này có thể được giao chỉ trong vài ngày, điều mà các nhà phân tích nhận định là thể hiện tình trạng nhu cầu kém đi.
Tuy nhiên, Musk lại quá tập trung vào Twitter – một công ty mà ông thừa nhận rằng mình đã mua lại với mức giá quá cao. Cuối tuần trước, ông đã tạo bảng thăm dò ý kiến trên mạng xã hội này về việc liệu ông có nên từ chức CEO Twitter hay không và phần lớn đều chọn “có”.
Theo Axel Schimidt, giám đốc điều hành cấp cao tại hãng tư vấn Accenture, cho biết việc quản lý Tesla “không phải là công việc bán thời gian trong thời điểm đầy biến động và thách thức này.”
Musk vẫn là một nhân vật được ngành sản xuất ô tô ngưỡng mộ, nhờ cách ông chứng minh cho cả thế giới thấy rằng phương tiện chạy bằng pin vẫn có kiểu dáng thời thượng, mang nhiều tính năng thú vị và quan trọng là có khả năng sinh lời. Thành công của Tesla đã thúc đẩy những hãng lớn như General Motors, Ford và Daimler phải nỗ lực cạnh tranh bằng cách cho ra mắt những mẫu xe điện của riêng mình.
Tesla mang nhiều dấu ấn cá nhân của Musk, cũng giống như cách Henry Ford từng “nhân cách hóa” nhà sản xuất ô tô mang tên ông. Là đồng sáng lập, CEO và cổ đông lớn nhất, Musk có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và đã giúp Tesla vươn lên dẫn đầu về công nghệ pin và phần mềm so với các nhà sản xuất ô tô truyền thống.
Tuy nhiên, không ai rõ nhân vật nào đang thay Musk điều hành Tesla trong khi ông đang “bận bịu” ở Twitter. Tesla chỉ liệt kê 3 giám đốc điều hành cấp cao, bao gồm Musk, CFO Zachary Kirkhorn và phó chủ tịch cấp cao chịu trách nhiệm về kỹ thuật Andrew Baglino.
Garrett Nelson – nhà phân tích nghiên cứu về cổ phần tại CFRA, một công ty nghiên cứu đầu tư, cho biết: “Dấu ấn cá nhân của Musk lớn như vậy nên người ta thường cho rằng công ty sẽ yếu đi nếu không có ông ấy và không có gì diễn ra nếu không có sự chấp thuận của ông ấy.” Tuy nhiên, Nelson lại không đồng tình với quan điểm đó.
Trong khi đó, giá cổ phiếu Tesla đã giảm tới 66% so với mức đỉnh vào tháng 11/2021 vào cuối phiên giao dịch ngày 21/12. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang mất niềm tin vào cả công ty và Musk. Chỉ riêng ngày 20/12, cổ phiếu hãng xe điện mất 8%.
Diễn biến cổ phiếu Tesla từ ngày 31/12/2021 đến nay.
Nguyên nhân một phần là do mối lo ngại về việc Musk sẽ phải bán thêm nhiều cổ phiếu Tesla để tiếp tục chi trả cho thương vụ mua lại Twitter. Để thâu tóm công ty mạng xã hội này, Musk đã phải bán số cổ phiếu Tesla trị giá 23 tỷ USD, khiến thị trường hoang mang và đẩy giá cổ phiếu đi xuống.
Và hiện tại, khi các nhà sản xuất ô tô truyền thống cũng cho “lên kệ” những chiếc xe điện chất lượng tốt, thì thị trường này không còn là của một mình Tesla nữa.
Tại Mỹ, xe điện của Ford, General Motors và Hyundai đã vượt xa vị trí dẫn đầu của Tesla. Sự cạnh tranh còn gay gắt hơn trong năm nay với sự ra đời của các mẫu xe như Cadillac Lyriq và Nissan Ariya.
Diễn biến tiêu cực này cũng là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư không còn tin vào lời hứa hẹn của Musk rằng Tesla sẽ bán được 20 triệu xe/năm vào năm 2030, ngang ngửa với VW và Toyota cộng lại. Chính giấc mơ thống trị toàn cầu này đã giúp Tesla chạm mức vốn hóa 1 tỷ USD, nhưng hiện chỉ còn 1 nửa. Mới đây, Musk cho biết cổ phiếu Tesla giảm do lãi suất cao và nguy cơ suy thoái kinh tế.
Ở Trung Quốc, Tesla phải đối mặt với thách thức đến từ các nhà sản xuất trong nước như BYD – hãng năm nay đã ngừng sản xuất xe động cơ đốt trong để tập trung hoàn toàn vào xe điện và doanh số xe bán ra đã vượt Tesla. Còn ở châu Âu, Volkswagen và các công ty con như Audi đã bán được nhiều xe điện hơn Tesla, dù Model Y và Model 3 vẫn là các mẫu chạy hoàn toàn bằng điện phổ biến nhất.
Một nhà máy của VW ở Hanover, Đức.
Trong một ngành công nghiệp phát triển mạnh nhờ các sản phẩm mới, thì Tesla lại chưa giới thiệu một chiếc xe cá nhân nào kể từ Model Y - mẫu xe thể thao đa dụng, vào năm 2020. Công ty này thông báo sẽ bán Cybertruck vào năm 2023. Song, chiếc bán tải này vẫn ra mắt sau các sản phẩm từ Ford, Rivian và GM.
Musk vẫn nổi tiếng là một vị sếp “sáng nắng chiều mưa”, song phong cách lãnh đạo của công lại trở nên rõ ràng hơn kể từ khi ông tiếp quản Twitter. Musk yêu cầu sa thải hoặc cho nghỉ không lương với hơn 1 nửa số nhân viên và cho biết những người ở lại sẽ phải làm việc “cường độ cao”.
Những vấn đề ở Twitter đã làm ảnh hưởng đến danh tiếng về sự tài giỏi của ông. Thậm chí, những dòng tweet kích động của ông có nguy cơ khiến những người mua xe tiềm năng của Tesla né tránh thương hiệu này.
Joya Banerjee – cố vấn tài chính về vấn đề bạo lực giới tại tổ chức nhân đạo CARE ở Washington, đã cân nhắc mua một chiếc Tesla khi cô có kế hoạch sở hữu xe điện vào năm ngoái. Tuy nhiên, ngay cả trước khi Musk mua lại Twitter, cô đã dừng ý định vì nhận thấy Musk có “cái tôi” quá lớn, phân biệt giới tính và quá nhiều quyền lực. Cô đã lựa chọn chiếc Ford Mustang Mach-E.
Dù Tesla vẫn dẫn đầu doanh số bán xe điện ở Đức, nhưng thị trường này đang dần được chiếm lĩnh bởi những cái tên khác nữa. Việc nhiều người bày tỏ thái độ tiêu cực với Musk bắt đầu ảnh hưởng đến những người sở hữu xe ở quốc gia này. Đa số cho biết việc vị tỷ phú tiếp quản Twitter đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Tesla, đặc biệt là với phụ nữ và những người 50 tuổi trở lên.
Theo Puls – một công ty nghiên cứu thị trường ở Nuremberg (Đức), gần 1 nửa trong số 1.010 người Đức tham gia khảo sát vào những tuần đầu tiên của tháng 12 đang cân nhắc hoặc tìm mua ngay một chiếc ô tô mới, cho biết việc ông chủ Tesla mua Twitter khiến họ không còn muốn mua xe của hãng.
Nhà máy mới của Tesla ở ngoại ô Berlin sản xuất 3.000 chiếc Model Y vào tuần trước, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà Musk đề ra.
Musk vẫn là một nhân vật được nhiều người hâm mộ ở Trung Quốc, được coi là CEO nước ngoài kiểu mẫu. Song, nhiều dấu hiệu cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xe điện của Trung Quốc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vào tháng 10, Tesla đã hạ giá ô tô ở thị trường này tới 9% và cho biết họ làm như vậy chỉ vì chi phí sản xuất đã giảm.
Trong khi đó, doanh số bán xe của Tesla tại Trung Quốc tính đến tháng 11 cao hơn 59% so với 1 năm trước đó, theo dữ liệu từ Hiệp hội Ô tô chở khách Trung Quốc. Tuy nhiên, con số trên chậm hơn so với mức tăng chung của “xe năng lượng mới” – bao gồm các xe chạy điện hoàn toàn và hybrid. Doanh số của hạng mục này đã tăng gấp đôi và BYD mới là cái tên dẫn đầu thị trường.
Tesla đã “chậm chân” so với các đối thủ ở Trung Quốc trong việc cho ra mắt các mẫu xe và tính năng mới. Hãng đã ra mắt Model 3 ở đại lục gần 3 năm trước và Model Y là khoảng 18 tháng trước. Và ở thị trường này, việc không có các mẫu xe mới là sự tụt hậu và trở thành cơ hội cho các hãng khác.
GenK.