Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Cùng nhìn lại quá trình tiến hoá của Surface sau 5 năm phát triển

Cùng nhìn lại quá trình tiến hoá của Surface sau 5 năm phát triển

Thế nhưng, Pro không phải là chiếc Surface đầu tiên. Trước đó, Surface RT đã được tung ra vào ngày 26/10/2012.

Surface RT: sự khởi đầu

Bạn sẽ muốn ghi nhớ ngày này, bởi trong nhiều năm qua, các sản phẩm như Surface Pro 4, Surface Book, Surface Studio và Surface Book đều được tung ra vào ngày 26/10.

Surface RT

Ban đầu, có hai mẫu Surface được đặt tên theo hệ điều hành mà chúng được cài sẵn: Surface with Windows RT và Surface with Windows 8 Pro. Cảm thấy hai cái tên quá dài, Microsoft quyết định rút gọn thành Surface RT và Surface Pro.

Surface RT sử dụng vi xử lý Nvidia Tegra 3 - một vi xử lý ARM - do đó không thể chạy ứng dụng Win32 (vào thời điểm đó). Người dùng chỉ có thể cài ứng dụng từ Windows Store cùng bộ Office RT 2013 được cài sẵn trong máy. 

Thiết bị này được đánh giá là yếu kém về mặt sức mạnh, ngay cả việc nó chỉ có thể chạy các ứng dụng di động. Tất nhiên, sản phẩm này thất bại hoàn toàn, và dù Microsoft đã có khắc phục mọi vấn đề với Windows RT 8.1, phần cứng của Surface RT vẫn quá tệ khiến Microsoft mất trắng 900 triệu USD.

Surface Pro: khởi đầu của một điều vĩ đại

Surface Pro đời đầu có vi xử lý Intel, tức có thể chạy Windows 8 hoàn chỉnh và hoạt động không khác gì một chiếc PC thông thường. Đây là lần đầu tiên chúng ta có được một chiếc tablet có thể được sử dụng như một chiếc laptop.

Cùng nhìn lại quá trình tiến hoá của Surface sau 5 năm phát triển - Ảnh 2.

Nói vậy không có nghĩa Surface Pro không có vấn đề. Màn hình máy chỉ 10.6-inch - quá nhỏ so với tiêu chuẩn của laptop, dày hơn nửa inch và nặng gần 1kg - quá cồng kềnh và nặng so với tiêu chuẩn của tablet. Vi xử lý Core i5-3317U thì có thời lượng pin quá tệ, chỉ khoảng 3 tiếng, và cấu hình thì chỉ có 4GB RAM cùng 64 hoặc 128GB bộ nhớ trong.

Bên cạnh đó, một số vấn đề trên Surface RT vẫn còn tồn tại trên Surface Pro. Thanh dựng máy vẫn chỉ mở được đến một vị trí nhất định, khiến việc sử dụng máy trên đùi hoặc bất kỳ trường hợp nào cần đặt máy ở một góc nhìn khác trở nên rất khó khăn.

Về bàn phím, Surface Pro có hai loại: Touch Cover và Type Cover. Touch Cover cực kỳ tệ hại, còn Type Cover khá hơn đôi chút khi mang lại cảm giác khá giống bàn phím thật. Các phím bấm bị đặt khá gần nhau nên cảm giác gõ không được thoải mái lắm.

Nghe có vẻ tệ quá nhỉ? Thực ra không phải như vậy. Những vấn đề nêu trên khiến máy không thể trở nên phổ biến được, nhưng những hạt giống cho một thứ khác tốt hơn đã được gieo. Khi Surface Pro xuất hiện, nhiều người dùng đã có thể thay thế hoàn toàn chiếc PC, và vi xử lý Core i5 của máy cho đến thời điểm hiện tại vẫn có thể xử lý tốt nhiều công việc.

Surface 2 và Surface Pro 2: đã đến lúc thử lại

Surface 2 là hậu bối của Surface RT, chỉ khác cách đặt tên mà thôi.

Cùng nhìn lại quá trình tiến hoá của Surface sau 5 năm phát triển - Ảnh 3.

Với việc Surface RT thất bại thảm hại, còn hệ điều hành Windows RT cũng tệ không kém (hầu hết các OEM đã ngừng bán bất kỳ thứ gì đi kèm Windows RT vào thời điểm này), Microsoft cho rằng "duyên nợ" với ARM vẫn chưa kết thúc. Thế là họ tung ra Surface 2 với chip Nvidia Tegra 4 cùng thanh dựng có thể điều chỉnh 2 vị trí khác nhau để đặt trên đùi dễ hơn. Đây cũng là chiếc Surface đầu tiên hỗ trợ kết nối di động, một bước tiến quan trọng.

Surface Pro 2

Surface Pro 2 thì khắc phục mọi nhược điểm của Surface Pro đời đầu, với vi xử lý Core i5-4300U Haswell của Intel, thời lượng pin được cải tiến rõ rệt, RAM 4GB hoặc 8GB và bộ nhớ trong tối đa 512GB.

Dù thanh dựng được cải tiến, nhưng cả Surface 2 và Pro 2 đều khá kỳ quặc khi sử dụng. Touch Cover 2 và Type Cover 2 có thêm đèn nền, nhưng cảm giác gõ vẫn vậy, đặc biệt là Touch Cover.

Surface 2 lại là một thất bại khác, nó cũng là chiếc Surface ARM cuối cùng. Surface Pro 2 không hẳn được gọi là thành công, nhưng người ta bắt đầu chú ý đến nó nhiều hơn.

Surface Pro 3: Surface trưởng thành

Vào tháng 5/2014, khi nhiều người cho rằng Microsoft sắp ra mắt Surface Mini nền ARM, và một chiếc Surface Pro mới khác, thì Microsoft ra mắt Surface Pro 3 với cấu hình và tính năng vượt mọi kỳ vọng.

Surface Pro 3

Surface Pro 3 chỉ dày 0,36-inch và nặng 0,8kg. Tỉ lệ màn hình đổi từ 3:2 sang 16:9, khiến máy có cảm giác thoải mái hơn khi sử dụng cả ở chế độ tablet và laptop.

Surface Pro cuối cùng đã trưởng thành.

Màn hình 12-inch 1440p vừa đủ lớn để làm việc, và Type Cover thì được chống vào màn hình, khiến nó giống bàn phím thực sự hơn. Thanh dựng cũng có thể mở ra ở bất kỳ góc độ nào, giúp sử dụng máy trên đùi thuận tiện hơn rất nhiều.

Thời lượng pin Surface Pro 3 ngang với Pro 2. Máy có thêm 2 tuỳ chọn vi xử lý là Core i3 (Y-series) và Core i7.

Microsoft còn mang lại một số thay đổi quan trọng tác động đến tận ngày nay. Ví dụ: bút cảm ứng được chuyển từ công nghệ Wacom sang N-Trig, tức là từ đó về sau, mọi Surface Pen đều cần một viên pin và cho phép nó kết nối tới PC qua Bluetooth. Cổng sạc chuyển sang cổng Surface Connect mà mọi người đều ghét bỏ.

Khi Surface Pro 3 ra mắt, người dùng đã phải thừa nhận rằng dòng sản phẩm này đã trưởng thành. Nó nhẹ hơn, mỏng hơn, giả quyết được mọi nhược điểm, và bắt đầu trở nên phổ biến.

Surface 3: sửa lỗi 

5/5/2015, Microsoft tung ra Surface 3, khắc phục nhiều vấn đề của người tiền nhiệm. Màn hình 10.8-inch tỉ lệ 3:2 và hỗ trợ Surface Pen. Quan trọng nhất, Surface 3 dùng vi xử lý Intel Atom, chạy Windows 8.1 hoàn chỉnh nên không có những giới hạn như các máy RT trước đó. Surface 3 cũng có một phiên bản hỗ trợ kết nối di động như Surface 2.

Điều thú vị nhất ở thiết bị này là nó là thiết bị Surface duy nhất sử dụng một cổng sạc chuẩn, tức micro-USB. Tất nhiên, Surface 3 vẫn dính "dớp" thường thấy ở Surface RT và Surface 2, khiến nó là thiết bị cuối cùng của dòng sản phẩm này.

Surface Hub

Surface Hub được thiết kế để phục vụ các hoạt động làm việc chung trong các công ty. Nó chạy hệ điều hành Windows tuỳ biến là Windows 10 Team và chỉ chạy được các ứng dụng Universal. Máy dùng vi xử lý Intel Haswell thế hệ 4, màn hình 55-inch 1080p hoặc 84-inch 4K, giá lên đến 20.000 USD.

Cùng nhìn lại quá trình tiến hoá của Surface sau 5 năm phát triển - Ảnh 6.

Surface Pro 4 và Surface Book: nổi sấm lên

Có gì mới trên Surface Pro 4? "Chẳng có gì nhiều, ngoại trừ mọi thứ"!

CPU được nâng cấp lên Intel Skylake thế hệ 6, màn hình độ phân giải cao hơn, bút Surface Pen tốt hơn, và nhiều thứ khác nữa. Type Cover được nâng cấp mạnh và đã có khoảng trống giữa các nút bấm.

Nếu Surface Pro là một chiếc tablet có thể thay thế laptop, thì Surface Book là một chiếc laptop có thể thay thế tablet. Máy có 2 phần: phần "clipboard" chứa CPU và các bo mạch, màn hình..., còn phần "base" chứa pin thêm và GPU .

Cùng nhìn lại quá trình tiến hoá của Surface sau 5 năm phát triển - Ảnh 7.

Surface Book và Surface Pro 4

Surface Pro 4 và Book xuất hiện sau đúng 3 năm chiếc Surface đầu tiên được tung ra thị trường. Chỉ trong 3 năm, Microsoft đã biến một dòng sản phẩm mà mọi người nghĩ sẽ "thất bại toàn tập" thành một câu chuyện thành công ngoài sức tưởng tượng.

Đây cũng là hai chiếc Surface đầu tiên được cài sẵn Windows 10 Pro. Trong sự kiện ra mắt Pro 4 và Book, Microsoft còn giới thiệu Lumia 950 và 950 XL cùng chiếc vòng Band 2, cả 3 thiết bị này đều đã bị ngừng sản xuất.

Surface Studio: desktop phong cách mới

Surface Studio là chiếc desktop all-in-one đầu tiên của Microsoft, và cũng như các thiết bị di động, Microsoft kỳ vọng Surface Studio sẽ thay đổi cách người ta dùng desktop. Với Studio, bạn có thể thay đổi góc độ màn hình để có thì chồm tới và vẽ lên đó giống như đang sử dụng một chiếc tablet khổng lồ.

Microsoft còn giới thiệu Surface Dial, cho phép người dùng tương tác với giao diện hệ điều hành theo một phong cách mới.

Cùng nhìn lại quá trình tiến hoá của Surface sau 5 năm phát triển - Ảnh 8.

Tất nhiên, Surface Studio cũng gặp một số vấn đề: nó quá đắt dù chỉ dùng vi xử lý Skylake, mà thậm chí vi xử lý này cũng không phải loại dành cho desktop.

Dù sao đây cũng là thế hệ đầu tiên của dòng sản phẩm này, và chắc chắn Microsoft sẽ tiếp tục nâng cấp Studio trong tương lai.

Surface Book with Performance Base: thay đổi lười biếng

Trong khi người dùng đang trông chờ Surface Book 2 với vi xử lý Intel Kaby Lake thế hệ 7, thì Microsoft lại tung ra Surface Book bản nâng cấp cấu hình. Nói vậy nhưng thiết bị lần này chẳng khác gì Surface Book ban đầu, trừ việc GPU mạnh hơn đôi chút. Tất nhiên, người hâm mộ vô cùng thất vọng bởi thay vì tung ra một thiết bị mới, Microsoft lại dùng lại phần cứng đã hơn 1 năm tuổi.

Surface Laptop: một chiếc PC thông thường

Surface Laptop không có màn hình tháo rời, không có Type Cover, cũng không có vi xử lý ARM. Đây là chiếc laptop truyền thống đầu tiên của Microsoft.

Được giới thiệu trong sự kiện ra mắt Windows 10 S - một phiên bản giản lược của Windows 10 Pro, chỉ chạy được ứng dụng từ Store - người dùng Surface Laptop có thể nâng cấp lên Windows 10 Pro miễn phí đến hết ngày 31/3/2018.

Đây là thiết bị Surface đầu tiên có nhiều màu: bạc, vàng xám, đỏ và xanh cobalt. Bàn phím máy được phủ Alcantara cho cảm giác bấm mềm mại hơn. Surface Laptop sử dụng vi xử lý Intel Kaby Lake thế hệ 7 đúng theo nguyện vọng của người hâm mộ.

Cùng nhìn lại quá trình tiến hoá của Surface sau 5 năm phát triển - Ảnh 9.

Surface Pro 2017

Không được gọi là Surface Pro 5, chiếc Surface Pro mới này được giới thiệu tại Thượng Hải, là chiếc Surface đầu tiên được "xuất ngoại".

Giống Surface Laptop, Type Cover của Surface Pro 2017 cũng được phủ Alcantara và cũng có nhiều màu sắc, trong khi phần thân máy vẫn chỉ có một màu. Lý do của việc này là nếu muốn thân máy có nhiều màu, chất liệu sản xuất phải là nhôm thay vì magie, nhưng nhôm lại nặng hơn nhiều, và nhóm thiết kế Surface cho rằng đây là điều không thể chấp nhận được.

Surface Pro 2017 cũng là chiếc Pro đầu tiên có kết nối di động. Máy có vi xử lý Kaby Lake và là chiếc Surface Pro duy nhất còn bán tại các cửa hàng của Microsoft.

Cùng nhìn lại quá trình tiến hoá của Surface sau 5 năm phát triển - Ảnh 10.

Surface Book 2: lột xác ngoạn mục

Sau màn ra mắt Surface Book with Performance Base đáng thất vọng, Microsoft đã tung ra Book 2 với hai kích cỡ màn hình khác nhau và cấu hình được nâng cấp mạnh mẽ.

Cụ thể, Surface Book 2 được trang bị vi xử lý Intel Kaby Lake R thế hệ 8, tức là dù thuộc U-series nhưng vi xử lý này có 4 lõi thay vì 2 lõi như trước đây. Đáng chú ý, mẫu máy Core i5 vẫn dùng chip 2 lõi thế hệ 7. Bên cạnh đó, GPU máy cũng được nâng cấp mạnh mẽ hơn nhiều.

Với dòng 15-inch, Book 2 được trang bị GPU Nvidia GeForce GTX 1060 thường thấy trên một số laptop chơi game. Mẫu 13.5-inch thì có GPU GTX 1050, nhưng chỉ áp dụng với mẫu Core i7 mà thôi.

Surface Book 2 còn có thêm một tính năng mà nhiều fan chờ đợi: cổng USB-C. Tuy nhiên, đây lại không phải chuẩn Thunderbolt 3, và Microsoft sẽ phải khắc phục điều này trên các dòng máy tiếp theo.

Dù sao, Book 2 đã giải quyết được nhiều vấn đề, và là một sản phẩm khá độc đáo. Rất hiếm khi bạn tìm được một chiếc laptop siêu mỏng nhẹ với vi xử lý 4 lõi và GPU GTX 1060, màn hình tháo rời được. Chính xác mà nói, không một chiếc máy nào trên thị trường giống như Surface Book 2.

Cùng nhìn lại quá trình tiến hoá của Surface sau 5 năm phát triển - Ảnh 11.

Tiếp tục nhìn về phía trước

Đội ngũ Surface của Microsoft nổi tiếng kín miệng, do đó chúng ta hoàn toàn mù tịt thông tin về thiết bị sắp ra mắt trừ khi thời điểm đã cận kề. Có thể chúng ta sẽ thấy những bản nâng cấp của Surface Pro, Book, Laptop, Studio và Hub, nhưng Surface thường đồng nghĩa với những danh mục sản phẩm mới, và chắc chắn họ sẽ tiếp tục làm vậy.

Microsoft được cho là đang phát triển một thiết bị tên mã Andromeda - một thiết bị gập được với hai màn hình, chạy Windows 10 bản đầy đủ. Nó giống như một chiếc PC trong túi, có thể biến thành điện thoại. Thiết bị này nhiều khả năng sẽ dùng vi xử lý ARM là Snapdragon 835 hoặc 845.

Khi Microsoft quyết định nhảy sang lĩnh vực phần cứng vào năm 2012, nhiều người đã nghi ngờ về khả năng thành công của họ. Surface RT là một thất bại, Surface Pro đời đầu không có tính thực tế cao. Nhưng thời gian trôi đi, và Surface hiện là một con át chủ bài vô cùng thành công của Microsoft, biến họ từ một công ty phần mềm thành một công ty phần cứng, với nhiều dạng máy khác nhau phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau. Cũng cần nhấn mạnh rằng đội ngũ Surface của hãng đã rất kiên định với ý tưởng mọi người sẽ sẵn sàng sử dụng nhiều dạng PC khác nhau, và vẫn sẽ tiếp tục làm việc hăng say để tạo nên những thứ tốt hơn nữa sau những thất bại đau đớn lúc ban đầu.

Tham khảo: Neowin

Nguồn: Genk.vn

 

Bài viết tương tự

Bài viết nổi bật