Ngày nay, những cửa hàng bán băng đĩa gần như đã không còn ở nhiều nước khi người dùng có thể trực tiếp mua hoặc thưởng thức chúng online. Tuy nhiên, một điều khá bất ngờ là thị trường băng đĩa nhạc, CD tại Nhật Bản vẫn phát triển vô cùng mạnh mẽ.
Trên toàn cầu hiện nay, khoảng 39% doanh số của ngành âm nhạc đến từ việc bán đĩa CD và đĩa than (vinyl). Tuy vậy, tỷ lệ này cao gấp đôi tại Nhật Bản và biến quốc gia này thành thị trường kinh doanh âm nhạc lớn thứ 2 thế giới với hơn 2,44 tỷ USD doanh thu mỗi năm và phần lớn trong đó là bán đĩa CD.
Theo thống kế của hiệp hội âm nhạc Nhật Bản (RIAJ), nước này hiện có khoảng 6.000 cửa hàng bán băng đĩa, con số này là 1.900 tại Mỹ, thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới. Dẫu vậy, thị trường âm nhạc lớn thứ 3 thế giới tại Đức lại chỉ có 700 cửa hàng.
Thị trường âm nhạc Nhật Bản và hành vi của người tiêu dùng tại đây là ví dụ điển hình của hội chứng Galapagos, một thuật ngữ kinh doanh lấy tên từ thuyết tiến hóa của Darwin. Qua đó giải thích lịch sử, văn hóa, vị trí địa lý của Nhật Bản đã khiến người dân nước này ưa thích loại công nghệ mà thế giới hầu như đã bỏ qua.
Tỷ lệ doanh số bán các ấn phẩm âm nhạc vật lý (đĩa CD, đĩa than...) trên toàn cầu phân theo quốc gia
Thuyết tiến hóa Darwin
Năm 1835, nhà khoa học Charles Darwin thăm quần đảo Galapagos của Ecuador và đã mang về một số hộp sọ của loài chim sẻ để nghiên cứu. Kết quả của cuộc nghiên cứu này đặt ra nền tảng cho thuyết tiến hóa sau này của Darwin.
Theo đó, những con chim mắc cạn trên trên một hòn đảo trong quần đảo sẽ nhanh chóng phát triển kiểu mỏ và hộp sọ khác nhau nhằm thích ứng nhanh chóng với việc săn mồi cũng như loại con mồi trên từng hòn đảo.
Cũng tương tự như nghiên cứu về loài chim sẻ trên quần đảo Galapagos của Darwin, nhiều ngành công nghiệp Nhật bản cũng phát triển theo hướng đi riêng khá khác lạ so với thế giới.
Ví dụ như ngành điện thoại di động. Nhật Bản là nước đã sử dụng điện thoại 3G và tích hợp máy ảnh sớm trước nhiều năm so với toàn thế giới nhưng ngành công nghiệp này lại chung thủy với kiểu điện thoại nắp gập quá lâu trong khi những quốc gia khác đã chuyển sang dùng smartphone nhiều năm.
Chính điều này đã ảnh hưởng đến những ngành kinh tế có liên quan đến điện thoại như thương mại điện tử hay thiết kế trang web. Người xem có thể dễ dàng thấy ngày nay nhiều trang web của Nhật vẫn khá nặng và thích hợp cho những người dùng điện thoại gập.
Một ví dụ khác là mảng xe hơi tiện lợi (Kei cars). Quốc đảo này sử dụng một lượng lớn xe hơi tiện lợi dạng nhỏ, nhẹ với động cơ chưa đến 660cc. Chính quyền Tokyo cũng khuyến khích người dân sử dụng loại xe này trong tình hình đất chật người đông.
Tuy nhiên loại xe này không thích hợp cho xuất khẩu. Dẫu vậy, những hãng sản xuất nổi tiếng như Suzuki, Mitsibishi, Honda vẫn sản xuất hàng loạt dòng xe này tại Nhật Bản.
Kei Car
Điều tương tự cũng xảy ra với ngành âm nhạc Nhật Bản khi quốc gia này chậm du nhập, ảnh hưởng từ xu thế tải nhạc online hay sử dụng các thiết bị điện tử trực tuyến để nghe nhạc.
Mặc dù Internet đã được phủ khắp các trường đại học Nhật Bản từ năm 2000 nhưng doanh thu trực tuyến của ngành âm nhạc Nhật Bản chỉ chiếm 8% tổng số, thấp hơn rất nhiều so với mức 68% của Mỹ.
Nhật Bản đã và đang giữ sự riêng biệt về văn hóa, lịch sử cũng như phong cách của mình trong ngành âm nhạc và đây là lý do khiến những chiếc đĩa CD hay đĩa than lạc hậu vẫn được ưa chuộng tại quốc đảo này.
Giá đắt gấp đôi vẫn hút khách
Việc các đĩa CD tại Nhật Bản vẫn thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng không hề liên quan đến vấn đề giá cả. Giá bình quân một đĩa album CD tại Nhật là 23-29 USD, cao gấp đôi so với nhiều nước trên thế giới.
Thậm chí, chính quyền Tokyo còn ban hành đạo luật bảo hộ giá cho ngành âm nhạc vào năm 1953 khi cho phép các chủ sở hữu bản quyền tài liệu, âm nhạc, sách, tạp chí thiết lập một mức giá sàn bán lẻ với sản phẩm của họ.
Thật đáng ngạc nhiên là người tiêu dùng Nhật Bản chấp nhận mức giá này và đã trả tiền cho các sản phẩm giải trí như vậy trong nhiều thập niên qua mà không hề phàn nàn.
Theo nhiều chuyên giá, các nhà phát hành thích những ấn phẩm như đĩa CD hay đĩa than hơn là bán trực tuyến bởi họ có thể kiểm soát giá cả cũng như hệ thống phân phối. Tuy nhiên, chính việc thịnh hành đĩa CD đã làm một ngành kinh doanh sống sót, đó là cho thuê băng đĩa.
Giá đĩa đơn CD tại 5 thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới theo ngày 23/6/2016 (USD)
Phí sao chép trộm
Những công ty cho thuê băng đĩa như Blockbuster Video đã trở thành quá khứ tại các nước Phương Tây, nhưng ngành này lại vẫn thịnh hành ở Nhật.
Tất nhiên, dịch vụ cho thuê là một cửa sau cho việc vi phạm bản quyền, sao chép trái phép sang các đĩa trống. Ban đầu, những cuộc đụng độ pháp lý đã xảy ra giữa các cửa hàng cho thuê băng đĩa và công ty phát hành ở Nhật Bản. Tuy nhiên, hai bên cuối cùng đã đi đến một thỏa thuận vào đầu thập niên 80 khi hàng năm các cửa hàng cho thuê băng đĩa phải trả phí “bản quyền” cho các công ty nhằm bù đắp thiệt hại do bị sao chép trộm.
Rõ ràng, các công ty phát hành không lo ngại việc sao chép trộm tại Nhật bởi những cửa hàng cho thuê băng đĩa này chỉ khiến người tiêu dùng muốn mua CD nhiều hơn. Hầu hết các cửa hàng cho thuê băng đĩa cũng được thiết kế bày bán CD hay những album mới nhất ngay mặt tiền.
Thậm chí nhiều cửa hàng tạp hóa tiện lợi tại các thị trấn nhỏ của Nhật Bản cũng có một góc nhỏ để bày bán, cho thuê băng đĩa.
Mặc dù vậy, trong 20 năm qua, số cửa hàng cho thuê băng đĩa tại Nhật đang suy giảm. Năm 2014, mảng cho thuê băng đĩa chỉ đóng góp 2,9 tỷ Yên doanh thu cho ngành âm nhạc Nhât, tương đương hơn 1% tổng số.
Số cửa hàng cho thuê băng đĩa cũng giảm từ mức đỉnh hơn 6.000 vào cuối thập niên 80 xuống hơn 2.400 cửa hàng hiện nay.
Số cửa hàng cho thuê băng đĩa tại Nhật
Fan cuồng chính hiệu
Một điều đáng ngạc nhiên nữa là việc phát hành các đĩa đơn hầu như đã qua thời đỉnh cao ở Phương Tây cách đây một thập niên, nhưng thị trường này lại vẫn nóng bỏng ở Nhật. Rất nhiều các nhóm nhạc thần tượng tại Nhật đã bán ít nhất 1 triệu bản đĩa đơn trong năm 2015.
Sự nổi tiếng của các ban nhạc thần tượng cũng như sự hâm mộ của lượng fan đông đảo khiến các công ty sản xuất, phát hành thu được nhiều lợi nhuận từ các chiến dịch marketing, quảng cáo bán các đĩa đơn phiên bản giới hạn.
Tại Nhật, việc phát hành đĩa CD dưới các phiên bản khác nhau, thay đổi bìa hay tặng kèm DVD là vô cùng bình thường mà người tiêu dùng vẫn mua dù nội dung chẳng khác mấy.
Tình trạng này phản ánh sự yêu thích “vật lý” đặc trưng trong văn hóa Nhật Bản, như thích tiền mặt hơn thẻ tín dụng. Không khó hiểu khi doanh số bán các ấn phẩm âm nhạc “vật lý” như CD tại thị trường này lại thuộc hàng cao nhất thế giới.
Ngoài ra, sự đam mê của cộng đồng người hâm mộ đã biến các đĩa CD không còn chỉ là những ấn phẩm âm nhạc bình thường mà còn thể hiện sự hỗ trợ, tỉnh cảm cũng như sự yêu thích của các fan hâm mộ. Nhiều người hâm mộ cảm thấy được gần gũi với thần tượng hơn khi họ liên tục mua những ấn phẩm liên quan đến ca sỹ hay nhóm nhạc mà mình yêu thích, dù nội dung khá tương đương nhau.
Thậm chí, các công ty thu âm đã hợp tác với những nghệ sĩ để đẩy xu thế này đi xa hơn nữa trong 15 năm qua. Người mua có thể nhận được 1 vé xem buổi hòa nhạc đặc biệt trong đĩa CD, hay những phiếu đặc biệt bầu chọn nhóm nhạc ưa thích...
Các nhà quản lý, nhà sản xuất, truyền hình... cam kết sẽ ưu đãi các nhóm nhạc nếu họ có nhiều phiếu bầu chọn.
Một điều thú vị là người hâm mộ có thể bình chọn nhiều lần tùy vào số ấn phẩm họ mua. Kết quả là có những fan cuồng mua hàng nghìn ấn phẩm giống nhau chỉ để lấy phiếu bầu chọn cho thần tượng của mình.
Một người hâm mộ của nhóm nhạc AKB48 đã mua hơn 5.000 đĩa đơn CD để được lấy phiếu bầu chọn cho nhóm.
Hội nhập nhưng không hòa tan
Sự hâm mộ đối với thần tượng và mong muốn hỗ trợ họ là một nguyên nhân chính khiến các đĩa CD vẫn còn thịnh hành tại Nhật. Tuy nhiên, một yếu tố nữa ẩn đằng sau đó là sự lão hóa dân số tại quốc gia này.
Trong số những nghệ sỹ nổi bật nhất năm 2016 có ban nhạc Arashi đã tồn tại 17 năm và nghệ sỹ Masaharu Fukuyama đã 47 tuổi. Hầu hết những fan hâm mộ của các nghệ sỹ này đã lớn tuổi và đương nhiên họ có tiềm lực tài chính để hỗ trợ những thần tượng mà họ gắn bó từ khi còn trẻ.
Điều này chẳng có gì lạ ở các nước nhưng do Nhật Bản có dân số già hóa nhanh chóng nên xu hướng này trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Trái lại, giới trẻ, vốn là của hiếm tại Nhật lại có xu thế ưa thích các ấn phẩm trực tuyến hơn.
Doanh số ấn phẩm trực tuyến tăng nhanh tại Nhật (tỷ Yên)
Trong vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp Nhật Bản đang dần dịch chuyển sang mảng trực tuyến khi lớp già mất đi và giới trẻ dần trưởng thành, có tiềm lực về tài chính.
Đây là xu thế chung của thị trường khi người tiêu dùng Nhật ngày càng mua trực tuyến nhiều hơn. Doanh số bán hàng trực tuyến năm 2015 tại Nhật đạt 90 tỷ USD, cao hơn nhiều mức 33 tỷ USD của năm 2009.
Cũng tương tự như nghiên cứu về chim sẻ Galapagos của Darwin, Nhật Bản sẽ dần dần thích nghi khi một xu thế mới được du nhập vào nước này. Sự tiện lợi của kinh doanh âm nhạc trực tuyến sẽ khiến người tiêu dùng Nhật dần chuyển sang mảng này. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy rồi thị trường âm nhạc Nhật, cũng như nhiều ngành kinh tế khác, sẽ hấp thụ cái mới nhưng diễn biến theo một cách độc đáo của riêng mình.
Nguồn: Genk.vn
CÔNG TY TNHH PHẦN MỀM TIẾP THỊ VIDEO QUỐC TẾ
Địa điểm: Hồ Chí Minh
Lương: 10 Tr - 13 Tr VND
Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Sen Đỏ
Địa điểm: Hồ Chí Minh
Lương: 30 Tr - 35 Tr VND
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN CÔNG NGHỆ OMMANI
Địa điểm: Hà Nội
Lương: 25 Tr - 35 Tr VND