Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Nếu không vì những thất bại cay đắng của Windows trong quá khứ, Microsoft có lẽ đã không đứng về phía Epic Games để chống lại Apple

Nếu không vì những thất bại cay đắng của Windows trong quá khứ, Microsoft có lẽ đã không đứng về phía Epic Games để chống lại Apple

Bất ngờ chống lại Apple

Trong một cuộc chiến không chỉ liên lụy tới những kẻ trực tiếp tham chiến mà là tới toàn bộ tương lai của thế giới công nghệ, rõ ràng các ông lớn sẽ chọn phe để tham gia. Và thật bất ngờ, cuối tuần vừa qua, Microsoft đã chọn đứng về Epic Games trong cuộc chến chống Apple.

Nếu không vì những thất bại cay đắng của Windows trong quá khứ, Microsoft có lẽ đã không đứng về phía Epic Games để chống lại Apple - Ảnh 1.

Cũng là một ông chủ nền tảng giống Apple, vì sao Microsoft lại chọn cách chống lại "người bạn thân"?

Đây thực sự là một quyết định bất ngờ từ nhiều góc độ. Lý do đầu tiên là bởi, trong nhiều năm qua Microsoft đã trở lại là "bạn thân" của Apple. CEO Microsoft là Satya Nadella còn chọn Office for iPad làm sản phẩm mở đầu nhiệm kỳ, và mới đây, Microsoft cũng là một trong những tên tuổi đầu tiên tham gia xây dựng Mac nền ARM.

Nhưng lý do thứ hai còn quan trọng hơn: cũng như Apple, Microsoft thường được nghĩ đến đầu tiên dưới vai trò kẻ làm chủ nền tảng (Windows, Xbox). Trong cuộc chiến lần này, tại sao Microsoft lại chọn cách đứng về phe của nhà phát triển? Nếu Epic thắng kiện và Apple mất quyền kiểm soát App Store, Google mất quyền kiểm soát Google Play, Microsoft có thể mất quyền kiểm soát Windows và Xbox theo cách tương tự.

Windows: Một ngoại lệ đặc biệt

Để hiểu đúng quyết định đầy nghịch lý của Microsoft, trước hết chúng ta cần nhìn lại vị thế đặc biệt của Windows. Đúng vậy, nhắc đến Microsoft vẫn là nhắc đến Windows, nhưng nhắc đến Windows lại là nhắc đến một ngoại lệ thảm hại của thế giới công nghệ: chẳng có mấy ông lớn công nghệ lại mở tung nền tảng của mình cho kẻ khác vào thoải mái kinh doanh như Microsoft cả.

Nếu không vì những thất bại cay đắng của Windows trong quá khứ, Microsoft có lẽ đã không đứng về phía Epic Games để chống lại Apple - Ảnh 2.

Trừ Microsoft ra, chẳng có ai mở tung hệ điều hành của mình cho kẻ khác thoải mái bán ứng dụng cả.

Hãy nhìn khắp thế giới công nghệ và bạn sẽ nhận ra điều đó. Trong cuộc chiến hiện tại, Epic Games không chỉ đâm đơn kiện Apple mà còn kiện cả Google: cũng giống như iOS, Android-của-Google cũng không phải là công cụ miễn phí cho kẻ khác. Chỉ một số rất ít các nhà sản xuất phần cứng được ra mắt chợ ứng dụng riêng (ví dụ, Galaxy Apps) trên thiết bị có cài đặt sẵn Android-của-Google. Và các ứng dụng, nếu đã đặt chân lên chợ Google Play, chắc chắn cũng sẽ phải chịu hình thức chia sẻ doanh thu giống như Apple.

Ngay đến cả thế giới Linux, vốn cũng được danh là "mở" như Android, rút cục cũng sinh ra để phân phối phần mềm của riêng từng công ty phát hành (distro). Những tên tuổi chìm khuất trong quá khứ như BlackBerry hay Nokia cũng áp dụng hình thức kiểm soát tương tự: đặt chân lên nền tảng là phải chia sẻ doanh thu cho "địa chủ". Và, ngay hiện tại, nhà phát triển game cho PlayStation hoặc Switch cũng phải chịu chia sẻ 30% doanh thu cho Sony hoặc Nintendo.

Dĩ nhiên, muốn đưa ứng dụng lên dịch vụ Xbox Live, bạn cũng phải chia sẻ 30% doanh thu cho Microsoft. Chỉ riêng Windows, nền tảng lớn nhất của Microsoft, lại không đi theo mô hình chia sẻ này. Hệ điều hành đã gắn với khái niệm "máy vi tính cá nhân" trong nhiều năm lại là một nền tảng mở đến mức đáng ngạc nhiên: bất kỳ một ai cũng có thể phát hành phần mềm qua dạng tải về (hoặc trước đây là qua DVD, qua CD-ROM). Bên cạnh Windows Store, Windows còn có vô số chợ phân phối ứng dụng nổi danh: Steam, Epic Games Store, Origin (EA), Uplay (Ubisoft)...

Không phải người tử tế

Nếu không vì những thất bại cay đắng của Windows trong quá khứ, Microsoft có lẽ đã không đứng về phía Epic Games để chống lại Apple - Ảnh 3.

Sau "thảm họa" IE, Microsoft đã không còn khả năng giữ Windows làm của riêng.

Điều đáng nói là Microsoft không hề "tử tế" đến mức sẵn sàng mở cửa hệ điều hành của mình cho các công ty khác kiếm lời. Trái lại, lý do đơn giản là bởi Microsoft muốn nhưng không làm được. Thập niên 90, việc Microsoft cài đặt sẵn IE vào Windows để "bóp chết" các trình duyệt đối thủ đã từng khiến công ty của Bill Gates bị cả nước Mỹ chống lại. Suýt nữa, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã bắt Microsoft tách làm hai nửa.

Có lẽ, chính vụ kiện lịch sử này đã khiến Microsoft không dám tìm cách khóa chặt các kênh phân phối ứng dụng trên Windows. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng gã khổng lồ phần mềm thực sự "tử tế": cho đến bây giờ, Microsoft vẫn đang tìm cách lấy một phần doanh thu từ các nhà phát triển ứng dụng. Một số phiên bản Windows như Windows 10S hay Windows 10 on ARM đều có mục tiêu hướng người dùng trở lại với chợ Microsoft Store thay vì phát hành độc lập ở bên ngoài. Khi phát hành qua chợ ứng dụng này, các nhà phát triển/phát hành hiển nhiên sẽ phải chia sẻ lại doanh thu cho Microsoft.

Dĩ nhiên, Windows Phone cũng có tham vọng tương tự. Hệ điều hành này cũng bị kiểm soát chặt như iOS và Android, cũng ra mắt kèm một chợ ứng dụng duy nhất, nơi Microsoft nghiễm nhiên hưởng doanh thu chia sẻ từ các nhà phát triển.

Cán cân lợi nhuận

Nếu không vì những thất bại cay đắng của Windows trong quá khứ, Microsoft có lẽ đã không đứng về phía Epic Games để chống lại Apple - Ảnh 4.

Microsoft có một lựa chọn đơn giản: Tìm cách bảo vệ nguồn thu èo uột của Microsoft Store...

Đáng buồn cho Microsoft, mọi nỗ lực chiếm lấy miếng bánh của các nhà phát triển đều thất bại. Suốt vòng đời, Windows Phone chưa bao giờ chiếm nổi 5% thị phần. Ước mơ sở hữu một chợ ứng dụng thống trị thế giới của Microsoft chính thức bị khép lại khi Windows 10 Mobile bị khai tử vào năm 2015. Các phiên bản Windows lấy Microsoft Store làm trọng tâm đều thất bại: Windows RT bị khai tử sau 3 năm, Windows 10 on ARM có thị phần "èo uột", Windows 10S cũng chẳng có ai ủng hộ.

Thật trớ trêu, "thất bại" này lại là mẹ thành công. Khi không còn khả năng phụ thuộc quá nhiều vào Windows, Microsoft lột xác trở thành một công ty phát triển đám mây, phát triển công nghệ đứng đằng sau các nhà phát triển khác. Doanh thu của công ty bùng nổ trở lại - đã nhiều lần, Microsoft chiếm lấy vị trí số 1 thế giới về trị giá vốn hóa từ tay Apple.

Khi lựa chọn đứng về phe của Apple hay phe của Epic Games, Microsoft thực chất phải mang hai nguồn thu lên bàn cân: nguồn thu từ vai trò là kẻ làm chủ nền tảng (Store trên Windows, Xbox Live) quan trọng hơn, hay vai trò là kẻ bán hàng cho các nhà phát triển quan trọng hơn? Các bản báo cáo tài chính của gã khổng lồ phần mềm trong suốt nhiều năm qua đã đem đến câu trả lời tất yếu. Một mặt, doanh thu từ Windows ngày càng èo uột, Xbox cũng bị bỏ quên, chợ ứng dụng Microsoft Store chẳng có ai sử dụng. Mặt khác, các nhà phát triển phần mềm càng ngày càng coi trọng các công cụ, các dịch vụ của Microsoft.

Nếu không vì những thất bại cay đắng của Windows trong quá khứ, Microsoft có lẽ đã không đứng về phía Epic Games để chống lại Apple - Ảnh 5.

...hay đứng về phía Epic để bảo vệ nguồn thu số 1 - các nhà phát triển dùng công cụ và nền tảng của Microsoft?

Rõ ràng, Microsoft phải chọn nguồn thu lớn hơn. Chưa kể, trong kịch bản Epic chiến thắng, Microsoft sẽ có cơ sở pháp lý để đưa chợ ứng dụng của riêng mình lên PlayStation Network, lên iOS, lên cả những chiếc smartphone Android có Google Play. Đừng bao giờ quên rằng Microsoft vẫn là một gã khổng lồ có tầm vóc nghìn tỷ, có thừa đủ khả năng bành trướng trên bất cứ nền tảng nào.

Đến cuối cùng, chẳng có gã khổng lồ nào có thể chạm mốc nghìn tỷ nếu không có những bước đi khôn ngoan. Microsoft cũng vậy: đằng sau sự ủng hộ dành cho Epic Games không phải là sự cao thượng của một ông chủ nền tảng, mà chỉ là những toan tính ích kỷ dành cho tương lai mà thôi.

Nguồn: Genk.vn

Bài viết tương tự

Bài viết nổi bật