Theo số liệu mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường GfK, Vsmart đã chính thức chiếm vị trí số 3 về thị phần của thị trường smartphone Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, một hãng smartphone Việt đã lập kỳ tích khi bứt phá khỏi top dưới, đạt thị phần trên mốc 10% (thị phần Vsmart hết tháng 3 đạt 16,7%).
Điều bất ngờ là ngay cả những hãng smartphone ngoại đình đám như Apple, Xiaomi hay VIvo cũng chưa bao giờ làm được điều này. Trong suốt hơn 10 năm bùng nổ của thị trường smartphone Việt Nam, 2 ông lớn Samsung và OPPO đã luôn "đè bẹp" các đối thủ khác. Thị trường Việt đã luôn phân loại thành 2 nhóm thương hiệu: nhóm dẫn đầu với thị phần áp đảo (Samsung, OPPO) và nhóm đi sau với thị phần đều "lẹt đẹt" chưa bao giờ vượt 10% (Apple, Xiaomi, Vivo và trước đây gồm cả Huawei, Sony, LG...).
Sau thành công của năm 2019 và quý đầu năm 2020, Vsmart đã bứt phá thành công ra khỏi nhóm dưới khi thị phần của hãng gấp đôi đối thủ tiếp theo (16.7% so với 8.6%). Vị trí thứ 3 nằm chắc trong tay, Vsmart sẽ phải làm gì tiếp theo để nối tiếp thành công được tạo dựng bằng Live, Joy 3 và Active 3?
Một điểm sáng không thể bỏ qua trong chiến lược Vsmart là phân khúc giá siêu rẻ. Theo thống kê của GfK, thị phần của Vsmart trên phân khúc giá dưới 1 triệu đồng và 2 triệu đồng có lúc lên tới 77%.
Smartphone của Samsung, OPPO hay Xiaomi hiếm khi chạm tới mức giá này. Nhờ vậy, Vsmart chạm tay được vào một thị trường đặc biệt: những người vẫn đang dùng điện thoại "cục gạch" (feature phone). Theo Ông Phùng Ngọc Tuyên - Giám Đốc Ngành Hàng Viễn Thông Di Động tại chuỗi bán lẻ TGDĐ:
"Rất nhiều người đến TGDĐ chọn Vsmart là chiếc điện thoại thông minh đầu tiên của họ. Nói cách khác thì Vsmart đã đưa những sản phẩm công nghệ đến với số đông khách hàng. Mà lượng khách hàng này cũng không hề nhỏ, một 8 một 10 với smarphone".
Trong tương lai, phân khúc giá siêu rẻ có lẽ sẽ còn chứng kiến Vingroup đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Tại Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước Quý 1/2020 của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) diễn ra sáng 2/3 tại Hà Nội, chương trình phổ cập điện thoại thông minh tới 100% dân số đã được công bố. Trong khuôn khổ chương trình này, nhà mạng, nhà phát triển ứng dụng và nhà sản xuất sẽ cùng bắt tay trợ giá để đưa những chiếc smartphone Việt Nam từ khung giá 45 – 50 USD xuống còn khoảng 20 USD, tức là chưa tới 500.000 đồng.
Như chúng tôi đã từng phân tích, gần như chắc chắn Vsmart sẽ tham gia vào khung giá này. Và đó là cơ hội để thị phần hãng smartphone Việt gia tăng hơn nữa, đe dọa hơn nữa tới 2 ông lớn nước ngoài đang làm chủ thị trường Việt Nam.
Smartphone không phải là mảng sản phẩm thông minh duy nhất của Vingroup. Năm ngoái, hãng này cũng đã vén màn những chiếc TV đầu tiên được cài đặt hệ điều hành Android của Google. Trong thông báo sự kiện khởi công nhà máy tại Hòa Lạc, hãng này khẳng định:
"Bên cạnh điện thoại, VinSmart sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất các sản phẩm điện tử thông minh, kết nối vạn vật (IoT) như SmartHome, SmartTV… Công ty VinSmart cũng tiếp cận các hãng cung cấp chipset, linh kiện, phụ kiện trong nước và quốc tế để trực tiếp làm chủ chuỗi cung ứng và kiểm soát chất lượng sản xuất của các thiết bị điện tử thông minh trước khi đưa ra thị trường".
Như vậy, có thể thấy rằng VinSmart đã sớm mang tham vọng bao phủ toàn bộ cuộc sống số của người dùng. Sản xuất smartphone đầu tiên là hoàn toàn hợp lý, bởi đây vẫn là loại thiết bị cá nhân nhất, thu hút được nhiều sự chú ý nhất vào lúc này. Khi smartphone Vsmart đã phổ cập, chúng sẽ đóng vai trò là thiết bị trung tâm trong căn nhà số, đô thị số tại Việt Nam. Gần như bất kỳ một hãng smartphone nào khác cũng đều đã/đang thực hiện mở rộng theo cách này, và Vsmart sẽ không phải là ngoại lệ.
Ở phía ngược lại, tất cả những ai có hiểu biết về thị trường smartphone đều hiểu rằng việc VinSmart tiến lên các phân khúc giá cao hơn chỉ là vấn đề thời gian. Giá càng thấp đồng nghĩa với tỷ lệ lợi nhuận càng thấp, và hãng sản xuất càng phải bù lỗ. Trong năm vừa qua, Vingroup được ước tính đã "đốt" hàng nghìn tỷ đồng cho các mảng sản xuất công nghiệp, bao gồm Vinfast và Vinsmart.
Song, dịch chuyển lên các phân khúc giá cao hơn cũng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Phân khúc tiếp theo mà Vsmart cần phải hướng tới - tầm trung/cận cao cấp - là một phân khúc cực kỳ khốc liệt, được cả OPPO và Samsung coi là các phân khúc chủ lực. OPPO năm qua ra mắt tới 3 thế hệ sản phẩm (Reno) cho cùng phân khúc này, còn Samsung không ngại ngần công bố smartphone hãng này sẽ được tập trung tính năng mới trước cả smartphone cao cấp. 2 ông lớn này từ lâu đã là người quyết định sân chơi smartphone tại Việt Nam và chưa bao giờ để lại miếng bánh đủ lớn dành cho kẻ thứ 3.
May mắn là Vsmart đã tạo dựng được những lợi thế quan trọng để làm bàn đạp tiến bước. Theo ông Phạm Quốc Bảo Duy - Giám đốc ngành hàng điện thoại chuỗi FPT Retail, Vsmart có 3 lợi thế đặc biệt: "Người tiêu dùng bây giờ rất thông minh, có nhiều sự lựa chọn trên nhiều phân khúc giá của nhiều hãng… Khi sản phẩm hội tụ đủ 3 yếu tố [thiết kế đẹp, giá cả hợp lý, chế độ hậu mãi tốt] thì người tiêu dùng sẽ tin dùng sản phẩm của mình. Vsmart bán tốt vì sản phẩm của họ hội tụ đầy đủ 3 yếu tố đó".
Trong 3 lợi thế này, chế độ hậu mãi của Vsmart là đặc biệt đáng chú ý. Khác với người dùng Âu Mỹ, Trung Quốc hay Hàn Quốc thay điện thoại theo năm (vì gắn với hợp đồng thuê bao mạng), người dùng Việt Nam hay mua điện thoại riêng. Người dân nước ta cũng có tâm lý "ăn chắc mặc bền" thấm sâu vào thói quen mua sắm, và Vsmart đã tận dụng rất tốt tâm lý đó bằng cách đưa ra chính sách bảo hành 18 tháng, đổi trả 101 ngày.
Ông Duy khẳng định: "Sự xuất hiện của Vsmart khiến nhiều đối thủ phải thay đổi chính sách, ví dụ như về bảo hành".
Đây chính là một minh chứng cho thấy khi người Việt ủng hộ hàng Việt, chính bản thân chúng ta cũng có lợi. Khi một hãng smartphone Việt, hiểu người Việt đưa ra các chính sách có lợi cho người Việt, các hãng smartphone quốc tế khác đã phải học theo. Một mình Vsmart đã nâng tầm chính sách hậu mãi của toàn bộ thị trường Việt Nam.
Hoặc, trong động thái tặng hàng ngàn máy thở và tham gia sản xuất máy thở giá rẻ vừa được công bố trong tuần vừa qua, Vsmart cũng đã thể hiện trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp nội địa. Như chúng tôi đã từng phân tích, khi doanh nghiệp đặt dây chuyền sản xuất hi-tech trong nước, doanh nghiệp đó cũng có khả năng tham gia vào cuộc chiến chống dịch bệnh một cách hiệu quả bất cứ lúc nào.
Những đóng góp vừa qua của Vingroup chắc chắn sẽ khiến cho tình cảm của người tiêu dùng với smartphone Vsmart thêm mặn nồng. Chặng đường phía trước còn xa, đánh bại Samsung và OPPO sẽ là những nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nhưng ít nhất, Vsmart đang mang trong mình một vũ khí mà không hãng smartphone nào khác có được: niềm tự hào Việt Nam, trong đó bao gồm cả kỳ tích phá vỡ cái dớp "top 3 thị phần 10%" mà chưa hãng smartphone ngoại nào làm được.
Nguồn: Genk.vn