Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Sinh viên và kỹ sư trẻ IT nên học gì?

Sinh viên và kỹ sư trẻ IT nên học gì?

Ở vai trò là người đi dạy, mình thường xuyên được các bạn sinh viên đặt các câu hỏi kiểu như: sv cntt thì mình cần phải học gì đây Thầy? Việc biết nhiều ngôn ngữ lập trình có quan trọng không Thầy? Em nên dùng tiền của ba mẹ để đầu tư học tiếng Anh, hay tham gia các khóa học để biết thêm nhiều ngôn ngữ lập trình? Mình tin rằng những câu hỏi như vậy, không chỉ xuất hiện đối với sinh viên, mà còn tồn tại đối với các bạn lập trình viên có kinh nghiệm đi làm < 3 năm. Và đương nhiên với cả bản thân mình tại thời điểm bằng tuổi của các bạn.

Còn với các bạn sau khi đã tốt nghiệp, đi làm nhiều năm và mặc dù một số khá thành công trong ngành CNPM, lâu lâu có cơ hội đi nhậu gặp lại nhau, vẫn còn tỏ ra hối tiếc vì trong giai đoạn đi học, các bạn đã không được Thầy Cô định hướng đúng cái gì cần nên đầu tư nhiều thời gian hơn để rèn luyện. Đôi lúc mình còn nghe cả có ý trách móc trong lời nói của các bạn nữa . Hay như chính bản thân mình đây, khi nhìn lại con đường đời của mình cho đến thời điểm hiện tại, cảm thấy thật sự hối tiếc vì có những thứ đúng ra cần phải đầu tư thời gian để rèn luyện nhiều hơn, thì mình lại không đầu tư và ngược lại. Giá như có ai đó chịu dành ít thời gian để tư vấn và thuyết phục mình về cái gì mình cần phải học lúc đó thì hay quá.

Với gần 10 năm làm công tác giảng dạy CNTT. Mình cũng may mắn trong lúc đi dạy, có thời gian tranh thủ chịu khó tự xây dựng doanh nghiệp gia công phần mềm. Ở Khoa thì hay đại diện cho Khoa giữ các mỗi quan hệ với doanh nghiệp, nên hay được nói chuyện với những người làm quản lý trong các cty sản xuất phần mềm. Đối với sinh viên và lập trình viên, thì nhờ hay tham gia công tác tổ chức và diễn giả tại các hoạt động cộng đồng, nên thường xuyên được nói chuyện với các bạn.

happy-coders

Nhờ vai trò thập cẩm như vậy nên mình có cơ hội được nhìn thấy hàng ngàn sinh viên được ươm mầm bằng các kiến thức cơ bản trong nhà trường, nhìn thấy các SV tốt nghiệp phát triển nghề nghiệp trong 10 năm gần đây (gần như là tuổi đời của ngành gia công phần mềm tại Đà Nẵng) và phát triển lên đến mức nắm giữ những vị trí quan trọng nhất nhì trong các cty phần mềm lớn tại ĐN. Và mình cũng nhờ vậy mà có cơ hội lắng nghe và biết được các khó khăn mà các bạn kỹ sư IT đang gặp phải khi đi làm. Ở góc độ của người quản lý doanh nghiệp, thì mình cũng hiểu được những khó khăn về mặt nhân lực mà người ta gặp phải khi xây dựng cty gia công phần mềm tại Đà Nẵng, hay biết được mong muốn của họ đối với nhân viên trong lĩnh vực gia công phần mềm. Và đương nhiên, những ai đáp ứng được mong muốn này của họ và biết cách vượt qua những khó khăn mình sẽ gặp phải trong tương lai, sẽ có nhiều cơ hội hơn để thăng tiến trong công việc.

Xuất phát từ những câu hỏi như vậy của các bạn sv cntt và các bạn kỹ sư mới đi làm, mà lúc đó mình chưa có cơ hội trả lời rõ ràng và đưa ra lời giải thích hợp lý để thuyết phục các bạn. Và cũng nhân lúc dịp hè đang rảnh rỗi sinh nông nổi Mình chia sẻ quan điểm của mình về việc sinh viên IT và các bạn lập trình viên kinh nghiệm < 3 năm nên học gì, để có thể có nhiều cơ hội thăng tiến hơn trong ngành Công nghiệp phần mềm. Mình tin rằng những bạn nào dành thời gian để tập trung rèn luyện 3 kỹ năng quan trọng này, sẽ giúp các bạn tiết kiệm được thời gian học hơn và thành công hơn trong lĩnh vực sản xuất phần mềm trong tương lai.

TIẾNG ANH LÀ CHÌA KHÓA DẪN ĐẾN THÀNH CÔNG

englishgradea3poster

Cách đây 6 năm mình có xây dựng một doanh nghiệp gia công phần mềm tên MOBIONEER. Nhờ lợi thế làm Thầy giáo, nên mình mời được gần như là các sinh viên hay lập trình viên rất top vào thời điểm đó cùng làm việc với mình . Nhân đây cho mình xin gởi lời cảm ơn đến các bạn đã có thời gian làm việc với mình!!! Hơn ai hết, mình hiểu các bạn cùng làm với mình tại thời điểm đó, là những bạn rất giỏi về kỹ thuật so với mặt bằng kỹ thuật chung tại Đà Nẵng. Thực tế thì nhiều bạn hiện tại đang khá thành công với các nhóm nhỏ làm phần mềm của riêng mình, giữ các vị trí tương đối quan trọng tại các cty lớn, hay là coder chủ lực đang được các cty o bế. Nếu bây giờ có ai hỏi mình một trong số việc mình hối tiếc nhất tại thời điểm đó là gì, thì mình có thể trả lời, là bọn mình đã không đầu tư để anh em được có môi trường nói tiếng Anh tại thời điểm đó. Nếu với khả năng kỹ thuật super của các bạn, cộng thêm tiếng Anh tốt nữa, mình có thể tưởng tượng các bạn sẽ tỏa sáng rực rỡ ntn bây giờ. Bây giờ đây các bạn đang cảm nhận được, việc chưa nói được tiếng Anh tự tin, đang cản trở sự phát triển công việc của các bạn như thế nào. Thực tế thì một số ít bạn có tiếng Anh tương đối tốt (tự các bạn học) lúc đó, bây giờ đang có công việc rất tốt, và hứa hẹn trong tương lai sẽ tốt hơn nữa.

f2c1d131396353.56df5096bc94b

Chúng ta phải hiểu, gần như tất cả khách hàng của chúng ta đến từ các nước đại gia như Mĩ và Châu Âu. Chứ khách hàng Việt Nam thì làm gì có tiền mà trả cho các cty gia công phần mềm, để họ trả cho các lập trình viên mức lương khủng như bây giờ. Các bạn sinh viên thử tưởng tượng xem, các bạn đang có 1 tech startup idea trên iPhone, và chưa biết gì về lập trình iOS cả nên cần tìm một lập trình viên iOS để làm. Bây h các bạn đang tiếp xúc 1 lập trình viên Campuchia và 1 lập trình viên Việt Nam để lựa chọn ra 1 người làm. LTV Campuchia iOS giỏi hơn LTV Việt. Nhưng anh đó chỉ nói được tiếng Campuchia thôi, không nói được tiếng Anh hay tiếng Việt. Nên anh Campuchia đó không có cách gì thuyết phục bạn về khả năng của anh ấy. Như vậy bạn sẽ chọn ai để làm việc đây? Trong trường hợp này, gần như người ta sẽ chọn người có thể trò chuyện được với mình. Không trò chuyện được với nhau, thì làm sao hiểu nhau và làm việc được.

Hè này tôi có tổ chức một bootcamp cho các bạn sinh viên tốt năm cuối của Khoa CNTT, trong quá trình bootcamp hoạt động, tôi có một anh bạn ở Singapore, giúp kết nối một vài cty Singapore, để cho các bạn phỏng vấn online và qua bên đó thực tập hè. Cơ hội đang có cho các bạn, nhưng kết quả thì sao? 95% các bạn thất bại vì không cách gì trả lời phỏng vấn để giải thích cho người ta hiểu về những việc mình có thể làm. Cuối cùng người ta miễn cưỡng nhận được 2 bạn có cơ hội qua Singapore thực tập. Nếu ngược lại, các bạn đều có tiếng Anh tốt thì sao? Nhiều bạn hơn sẽ có cơ hội đi Singapore thực tập, và một chân trời kiến thức rộng mở sẽ đến với các bạn, và rõ ràng giúp các bạn tỏa sáng hơn trong tương lai.

techtalk-rich

Như vậy có thể thấy, giỏi kỹ thuật, mà không cách chi thể hiện cho người khác biết (đương nhiên người khác trong ngữ cảnh này, là các khách hàng đại gia đến từ Mĩ và Châu Âu đang chém tiếng Anh như gió) thì có ích gì? Và đây cũng là nổi đau lớn nhất của các cty sản xuất phần mềm có khách hàng là Mĩ và Châu Âu, khi người ta đặt chi nhánh tại Đà Nẵng. Nên thử tưởng tượng, bạn có thể nói và thuyết trình tiếng Anh tốt trước mặt khách hàng và đồng nghiệp thì sao đây? Bạn sẽ giống như viên ngọc mà các cty mất bao thời gian để tìm được trong hằng hà sa số LTV mà người ta không cách gì để trò chuyện được. Người ta đang mong bạn như nắng hạn mong lấy một cơn mưa rào. Nhất định bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn các LTV khác khi bạn đang biết cách xoa diệu nổi đau này của họ.

Năm 2004, khi tôi đang còn học năm 4 đại học, lớp của tôi có một thầy chủ nhiệm, có bạn thân là người sáng lập cty TMA Solutions (một trong số các cty software outsourcing đầu tiên và hàng đầu VN bây giờ) ở tp HCM. Có 1 lần Thầy dẫn cả lớp đi tham quan cty TMA và nghe các founders chia sẻ về lĩnh vực gia công phần mềm. Một trong những điểm mà họ chia sẻ, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ, là vấn đề về tiếng Anh. Lúc đó tôi còn được biết, nhà nước mình đang có lộ trình nâng cao tiếng Anh cho lập trình viên. 12 năm trôi qua, với vai trò của người đi dạy, tôi chưa thấy có sự khác biệt gì lớn trong việc dạy và học tiếng Anh cho sinh viên IT, ít nhất là ở nơi tôi đang công tác. Dẫn đến tỷ lệ sinh viên và kỹ sư trẻ IT nói được tiếng Anh, so với thời của tôi rõ ràng là tốt hơn, nhưng vẫn còn quá thấp so với kỳ vọng. Nguyên cả khóa 200 sv, có khoảng 15-20sv có thể trình bày được bằng tiếng Anh ở mức độ tương đối (đương nhiên lâu lâu có trường hợp ngoại lệ tiếng Anh vượt trình mà mình không nói tới ở đây, vì ngoại lệ rồi mà). Các bạn trình bày được như vậy là do tự học và do có cơ hội làm việc trong doanh nghiệp có sử dụng tiếng Anh sớm, không phải do bọn tôi dạy.

business-psychology-university-worcester-course-page-header

Khi mình hỏi các sinh viên đã tốt nghiệp từ Trường mình, khi vào cty làm việc, thì bọn em mất thời gian khoảng bao lâu để tiếp xúc với một công nghệ mới và để có thể bắt đầu làm việc trên dự án được, thì câu trả lời bình thường khá tự tin, trung bình vào khoảng 3 tháng. Nhưng nếu mình hỏi bọn em cần mất thời gian bao lâu để có thể dùng được tiếng Anh tương đối để nói chuyện với khách hàng. Thì đa số đều trả lời là đã học từ lúc còn là sinh viên và vào doanh nghiệp lại tiếp tục học nữa. Ở đây có thể thấy, đối với sinh viên đã có cơ bản về CNTT, việc học tiếng Anh rõ ràng khó và mất nhiều thời gian hơn so với học một ngôn ngữ lập trình cụ thể.

Có thể thấy việc đào tạo chuyên môn lập trình của chúng ta vẫn còn đang tạm ổn, nhưng việc đào tạo tiếng Anh cho lập trình viên thì đang là một vấn đề to đùng. Đương nhiên, cái gì hiếm và đáp ứng đúng thứ họ cần, thì được trân trọng hơn, và có nhiều cơ hội hơn để thăng tiến trong công việc. Khi bạn đi phỏng vấn bằng tiếng Anh, chỉ cần trong 30s đầu tiên bạn mở miệng nói tiếng Anh, phát âm tốt và nói mạch lạc, là đã đủ gây ấn tượng mạnh với người tuyển dụng. Cho dù bạn là sinh viên tốt nghiệp từ bất cứ trường đại học hay cao đẳng cntt nào, tiếng Anh là điểm cộng mạnh, và mạnh hơn kỹ thuật khi đi phỏng vấn hay làm việc, bởi vì bạn đang là hàng hiếm. Thử tưởng tượng trong lúc họp, bạn có thể tự tin thuyết trình mạch lạc bằng tiếng Anh, ngày qua ngày, bạn sẽ là người có nhiều cơ hội được trao đổi với khách hàng và giai cấp thống trị nhiều hơn, học được nhiều hơn từ họ, và có nhiều cơ hội hơn cho bản thân. Tiếng Anh càng tốt, càng có nhiều ưu thế.

Với thị trường nhân lực CNTT hiện tại ở ĐN, để có thể thăng tiến tốt trong ngành CNPM, tiếng Anh quan trọng hơn cả kỹ thuật. Đương nhiên tôi không có nói ở đây kỹ thuật không quan trọng, ở phần tiếp theo, mình sẽ giải thích về tầm quan trọng của các môn học trong Trường. Bạn phải nhớ, những kiến thức bạn học được khi bạn có một môi trường làm việc tốt trong tương lai, nhiều hơn nhiều so với kiến thức học được khi ngồi trên ghế nhà trường. Kiến thức học được qua trải nghiệm thực tế luôn là nguồn gốc kiến thức quan trọng nhất cho tất cả mọi người, giúp bạn kiếm cơm nuôi gia đình và đi theo bạn đến cuối đời. Còn đa số những môn học không cần thiết (đương nhiên có một số môn rất cần thiết và quan trọng) trong nhà trường dần dần sẽ bị lãng quên, đến lúc bạn chẳng còn nhớ là trong quá khứ đã từng học nó rồi. Bạn đừng bao giờ nghỉ bạn học trong Trường giỏi, thì sau này đi làm cũng giỏi, đây là căn bệnh ảo tưởng mà gần như tất cả sinh viên đều đang có. Môi trường làm việc của bạn trong tương lai, sẽ thay đổi con người bạn, những bạn không có môi trường tốt để thay đổi và học, sẽ lạc hậu. Ngược lại những bạn được sống trong môi trường tốt, sẽ ngày càng giỏi hơn. Và chìa khóa để mở ra cánh cửa để bạn có thể bước vào một môi trường làm việc tốt, có thể giúp bạn học được vô vàn kiến thức, chính là tiếng Anh. Không có chiếc chìa khóa này, bạn vĩnh viễn đứng ngoài căn phòng kiến thức bao la rộng lớn này.

66372-20151201173310983-1037630505

Một nghịch lý là việc học tiếng Anh, vốn khó và tốn nhiều thời gian hơn học kỹ thuật đối với sv đại học và cd cntt. Chúng ta lại đang đầu tư quá nhiều thời gian vào việc học kỹ thuật. Và gần như không đầu tư vào việc học Anh văn. Nhiều bạn sẽ hỏi mình tại sao nhà trường không đầu tư dạy Anh văn cho sinh viên? Mình có thể trả lời như vậy, với mức học phí đang cào bằng cho chương trình học Cao đẳng Đại học tại Đà Nẵng và với các quy định về khung chương trình đào tạo do Bộ giáo dục giáng xuống, nhà trường không có khả năng chi trả thêm cho các hoạt động học Anh văn chất lượng và kéo dài. Dẫn đến sẽ không thể có mặt bằng chung sinh viên CNTT có tiếng Anh tốt.

Cuối cùng, khi được hỏi về lời khuyên dành cho Việt Nam trong việc phát triển đất nước, Lý Quang Diệu chia sẻ: “Chìa khóa để tránh tụt hậu cho người Việt là tiếng Anh”. Theo Lý Quang Diệu, thì không có tiếng Anh thì bị xem là lạc hậu và tụt hậu. Tức là có tiếng Anh thì mới nói tiếp đến chuyện phát triển, còn không thì bị xem là lạc hậu tụt hậu rồi. Mọi người có hay nghe nói đến câu, nền nông nghiệp của chúng ta vẫn còn lạc hậu so với các nước tiên tiến chưa vậy? Từ lạc hậu trên bình diện thế giới, thường để ám chỉ mấy quốc gia đội sổ về sự phát triển. Phê bình sao mà khéo và nghe sao mà đắng quá

Nguồn: Techtalk.vn

Bài viết tương tự

Bài viết nổi bật

Công việc liên quan