Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Thêm 1 tuyến cáp biển IA gặp sự cố, Internet Việt Nam đi quốc tế lại bị ảnh hưởng

Thêm 1 tuyến cáp biển IA gặp sự cố, Internet Việt Nam đi quốc tế lại bị ảnh hưởng

Ngoài 2 tuyến cáp quang biển quốc tế AAG và APG vẫn đang gián đoạn dịch vụ do gặp sự cố trong năm ngoái, hiện còn có thêm tuyến cáp Liên Á (IA) cũng bị lỗi, phải bảo dưỡng để khắc phục.

Ba tuyến cáp biển đang cùng gián đoán dịch vụ
Thông tin với ICTnews ngày 23/2, một đại diện doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, từ ngày 18/2, tuyến cáp quang biển Liên Á (Intra Asia – IA) gặp sự cố. Theo thông báo được đơn vị quản lý tuyến cáp gửi đến các ISP, tuyến cáp IA hướng kết nối đi HongKong (Trung Quốc) đang bảo dưỡng để khắc phục các sự cố, dự kiến cuối tháng 2 sẽ hoàn thành.

IA đây là tuyến cáp biển có tổng chiều dài 6.800 km và được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009. Tuyến cáp biển này kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, HongKong và Nhật Bản. Tuyến cáp biển này được đánh giá là tuyến cáp quang quan trọng để trung chuyển lưu lượng đến châu Mỹ và châu Âu cho các khách hàng ở Việt Nam và khu vực.

Việc có thêm tuyến cáp biển IA bị lỗi, phải bảo dưỡng trong khi 2 tuyến cáp khác là Asia Pacific Gateway (APG) và Asia America Gateway (AAG) chưa khắc phục xong các sự cố xảy ra trước đó khiến cho áp lực đảm bảo chất lượng dịch vụ Internet quốc tế của các nhà mạng càng thêm nặng nề.

Lần gần đây nhất cáp AAG gặp sự cố là vào tối 22/10/2021. Sự cố gây mất toàn bộ lưu lượng từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến. Vào 15h ngày 29/12/2021, lỗi trên nhánh cáp kết nối hướng Singapore của tuyến AAG đã được khắc phục xong. Trong khi đó, sự cố xảy ra trên nhánh cáp S1I hướng kết nối đi HongKong (Trung Quốc) với 3 điểm lỗi hiện vẫn chưa được sửa. Theo lịch mới nhất, thời gian sửa chữa các lỗi trên nhánh S1I của tuyến cáp quang biển AAG sẽ kéo dài từ ngày 25/2 đến 13/3/2022.

Với APG, ở lần gặp sự cố thứ tư trong năm ngoái, lần lượt vào các ngày 5/12 và 13/12, cáp APG gặp sự cố trên 2 hướng cáp kết nối đi Nhật và Hong Kong (Trung Quốc). Vào ngày 14/1/2022, sự cố trên nhánh S1.5 của cáp APG kết nối đi Nhật đã được sửa xong. Hiện tại, tàu sửa cáp đang tiến hành sửa chữa, khắc phục lỗi trên nhánh cáp cách trạm cập bờ HongKong (Trung Quốc) khoảng 125 km của tuyến APG, dự kiến hoàn thành vào ngày 24/2.

Trao đổi với ICTnews, ông Vũ Thế Bình, CEO Công ty NetNam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho rằng: Việc đồng thời cả 3 tuyến cáp biển AAG, APG và IA bị sự cố thì chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ Internet của Việt Nam nói chung. Một số nhóm người dùng có thể cảm nhận được tốc độ truy cập chậm hơn trước tới một số đích trên Internet.

“Đương nhiên các ISP sẽ tìm cách bù dung lượng thiếu qua các kênh khác, nhưng chắc chắn sẽ không được thoải mái như khi 3 tuyến cáp quang biển nói trên còn hoạt động tốt”, ông Vũ Thế Bình chia sẻ thêm.

Cá nhân, doanh nghiệp nên sử dụng thêm các ứng dụng nội địa
Đại diện VIA cũng cho hay, hiện nay lưu lượng truy cập Internet nước ngoài lớn hơn nhiều so với trong nước. Vì thế, mỗi khi có sự cố các tuyến cáp biển quốc tế, thì chất lượng dịch vụ Internet bị ảnh hưởng. Thực tế, các nhà mạng, một mặt đã tìm cách đầu tư xây dựng các tuyến cáp mới, mặt khác cũng tìm cách tối ưu để lưu lượng Internet trong nước tăng lên, như tăng cường các hệ thống Caching, CDN.

Chúng ta đều muốn người dùng Internet Việt Nam sử dụng các ứng dụng trong nước, tuy nhiên việc đó khả thi hay không còn phụ thuộc vào chất lượng và độ phổ biến các ứng dụng nội địa. Đây là một thách thức lớn và cần nhiều thời gian, nỗ lực chung thì mới cải thiện được.

“Gợi ý của chúng tôi là các doanh nghiệp, cá nhân nên sử dụng thêm các ứng dụng nội địa, như một bổ sung và dự phòng cho ứng dụng quen thuộc do các công ty toàn cầu cung cấp”, đại diện VIA nêu khuyến nghị.

Phân tích thêm về giải pháp lâu dài để ứng phó trong bối cảnh các tuyến cáp biển mà Việt Nam đang sử dụng thường xuyên xảy ra sự cố, đại diện VIA nhấn mạnh: Internet hiện giờ thực chất có thể coi là hạ tầng số quan trọng của quốc gia, để phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Các nhà mạng lớn cũng có chiến lược, kế hoạch mở rộng các tuyến cáp kết nối quốc tế để đón đầu, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng dịch vụ Internet.

Hiệp hội Internet Việt Nam cũng nhận thấy các nỗ lực cổ vũ xây dựng các nền tảng, dịch vụ nội địa như mạng xã hội, các nền tảng quản lý doanh nghiệp, nền tảng và ứng dụng họp, học trực tuyến... Chắc chắn khi các nền tảng, ứng dụng của Việt Nam có chất lượng và độ phổ biến, thì sự phụ thuộc vào các tuyến cáp biển ra nước ngoài sẽ bớt đi.

“Mặt khác, chúng ta cũng thấy các nhà cung cấp nền tảng toàn cầu đang đưa hạ tầng, dữ liệu đến gần Việt Nam hơn, đặt các điểm truy cập tại Việt Nam. Điều này cho thấy nhu cầu dung lượng quốc tế cũng như trong nước đều sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, khi kinh tế phục hồi sau dịch”, đại diện VIA nhận xét.

GenK

Bài viết tương tự