Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

"Wintel" vụn vỡ: Sự kiện Surface của Microsoft đã mở ra nhiều viễn cảnh đáng sợ cho Intel

"Wintel" vụn vỡ: Sự kiện Surface của Microsoft đã mở ra nhiều viễn cảnh đáng sợ cho Intel

Những kẻ yêu công nghệ từng đi qua kỷ nguyên huy hoàng nhất của PC chắc chắn sẽ không thể quên được cụm từ "Wintel". Những chiếc máy tính dùng chip Pentium của Intel và cài đặt hệ điều hành Windows của Microsoft đã từng là bộ đôi đại diện cho những gì tân tiến nhất, phổ biến nhất, đáng mơ ước nhất của thế giới công nghệ. Cho đến trước khi smartphone và tablet lật đổ PC để trở thành danh mục sản phẩm "hot" nhất, Microsoft và Intel đã từng là bộ đôi quyền lực nhất của thế giới công nghệ.

Mối quan hệ thân thiết ấy được gợi nhắc ngày hôm nay khi Microsoft vén màn một sản phẩm vô cùng đột phá mang tên Surface Neo. Gã khổng lồ phần mềm không hề giấu diếm tham vọng tạo ra một danh mục sản phẩm phần cứng mới: những chiếc laptop có 2 màn hình, có thể gập lại và sử dụng ở rất nhiều hình thái khác nhau. Theo lời của giám đốc sản phẩm Panos Panay, một tham vọng lớn như vậy có phần rất lớn từ Intel: "Không chỉ phần cứng và phần mềm, silicon cũng phải tiến hóa để biến Duo thành sự thực. Bên trong Duo là một vi xử lý hoàn toàn mới từ Intel mang tên gọi Lakefield".

Công nhận AMD

Dòng Surface Laptop mới nhất, cao cấp nhất sẽ dùng AMD Ryzen thay vì Intel Core.

Nhưng Microsoft đã không để cho người bạn cũ được thảnh thơi cùng mơ giấc mơ về kỷ nguyên điện toán tiếp theo. Microsoft có thể đã chọn Intel để phô trương cho một chủng loại phần cứng hoàn toàn mới, nhưng lại "cõng" 2 đối thủ khác của Intel vào một dòng sản phẩm đang rất thành công: Surface tablet. Trên Surface Laptop 3, Microsoft cùng AMD phô diễn một con chip hoàn toàn mới có tên "Ryzen Surface Edition". Trên Surface Pro X, Microsoft "khoe" dòng chip SQ1 được hãng này đích thân phối hợp phát triển cùng Qualcomm.

Khó có thể nói hết được những nguy cơ mà Microsoft vừa mở ra trước mắt Intel. Dù chip Intel vẫn đang được dùng trên dòng Surface Laptop 13 inch truyền thống, rõ ràng là sự xuất hiện của Ryzen Surface Edition sẽ mang đến nhiều thông điệp bất lợi cho Intel. Đầu tiên, bởi Surface là dòng sản phẩm biểu trưng cho Windows, việc Surface Laptop 15 inch nay lại dùng chip Ryzen có thể coi là sự công nhận của Microsoft dành cho AMD: "Đây chính là con chip nhanh nhất cho bất kỳ một chiếc laptop nào trong cùng chủng loại". Lời nói của giám đốc Microsoft chẳng khác gì gáo nước lạnh dội vào mặt Intel, vốn vừa được nhắc đến cùng Surface Laptop 13 inch.

Nếu Microsoft đã công nhận AMD, điều gì sẽ ngăn cản người dùng khắp nơi công nhận AMD? Cần chỉ ra rằng, cho đến tận bây giờ, AMD vẫn thường bị coi là "hạng hai" so với Intel. Nhưng trong sự kiện của Microsoft, Intel chỉ được dùng cho Laptop 13 inch giá khởi điểm 999 USD, còn AMD lại được dùng trên Laptop 15 inch giá khởi điểm 1199 USD. Với Microsoft, dù chỉ là trong một dòng sản phẩm, AMD đang được coi là lựa chọn cao cấp hơn Intel.

Mở đường cho Qualcomm (và ARM)

Surface Pro X là dòng sản phẩm được Microsoft coi là "tương lai của 2-trong-1"...

Cơn ác mộng chưa dừng lại ở đây. Trong cùng một sự kiện, Microsoft khoe một dòng Surface mới: Surface Pro X. Microsoft gọi Surface Pro X là "điều tiếp theo cho máy 2-trong-1".

Điều đáng nói là nhìn từ bên ngoài Pro X chẳng có gì mới: đó vẫn là thân hình mỏng nhẹ với chân đế phía sau từng được Microsoft khai màn vào năm 2012, đó vẫn là cây bút và bàn phím rời đã bao năm gắn bó với người dùng Surface. Điểm mới nhất của Surface nằm ở bên trong: một con chip ARM do Microsoft và Qualcomm cùng nhau phát triển. Một con chip với khả năng xử lý AI riêng, với tính năng sạc nhanh (rõ ràng là từ Snapdragon), và đó là kết nối 4G bậc nhất thế giới của Qualcomm.

Gọi Pro X là sản phẩm "đẩy danh mục 2-trong-1 về phía trước" chẳng khác gì gáo nước lạnh dội vào mặt Intel. Tất cả những điểm khác biệt của Pro X so với Pro "thường" đều là do con chip SQ1 mang tới. Có lẽ là con chip này vẫn còn thua xa chip m3 hay Core i3 của Intel về hiệu năng, nhưng sự thua kém ấy chắc gì đã có nghĩa với phần đông người dùng? Như để quảng bá cho tiềm năng của những con chip ARM trên nền tảng vốn chỉ dành riêng cho Intel, Microsoft còn khoe số Teraflop, khoe... điện năng sử dụng, khoe... hiệu năng trên Watt (???). Người dùng hiểu biết công nghệ có lẽ sẽ tìm phép so sánh với Intel HD Graphics, nhưng người dùng nói chung thì chẳng cần hiểu gì cả. Họ chỉ cần biết Microsoft đã nói chip SQ1 đủ mạnh, và chắc chắn họ sẽ thích độ mỏng hay kết nối 4G liên tục của Pro X.

Sự kiện của Microsoft đã mở cửa cho các đối thủ "đánh" vào sân nhà của Intel.

Một lần nữa, đó là gáo nước dội vào mặt Intel. Tablet Windows dùng chip Qualcomm vốn đã có mặt trên thị trường từ năm ngoái nhưng hay bị chê yếu và thiếu sức mạnh. Nay, chip Qualcomm lại được đưa lên dòng phần cứng biểu trưng cho Windows. Việc một con chip Qualcomm có mặt trên phần cứng biểu trưng cũng có nghĩa rằng cả thế giới Windows nay được quyền đi theo Qualcomm thay vì x86 của Intel.

Tất cả những điều này không có nghĩa rằng tương lai của Intel đã với Microsoft đã khép lại. Nhưng rõ ràng, khi ông chủ của Windows lên tiếng thừa nhận 2 đối thủ lớn, tương lai của Intel trên nền tảng của Microsoft sẽ trở nên u ám hơn. Từ thập niên 90, phần đông người dùng vẫn nghĩ rằng Windows phải đi kèm với Intel. Nay, chính ông chủ Windows lại lên tiếng nói rằng, các danh mục phần cứng Windows mới sẽ bắt nguồn trên những con chip không phải của Windows. Nếu bạn là Intel, bạn có lo lắng không?

Nguồn: Genk.vn

Bài viết tương tự

Bài viết nổi bật