Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Vì sao Huawei hay Xiaomi đều từ bỏ nhận diện khuôn mặt rồi mà Google lại đưa lên Pixel 4?

Vì sao Huawei hay Xiaomi đều từ bỏ nhận diện khuôn mặt rồi mà Google lại đưa lên Pixel 4?

Trong một bước đi khá lạ lùng, Google đã không để cho các "leaker" được rò rỉ thông tin về Pixel 4 mà tự công bố trước: Pixel 4 sẽ có cảm biến nhận diện khuôn mặt. Bên cạnh một đoạn video hơn 20 giây để "demo" tính năng này, Google còn công bố hẳn một bài blog chi tiết về bộ phận camera mới trên Pixel, trong đó có chip Soliradar và các bộ phận… giống hệt FaceID.

Đi ngược lại cả làng Android

Điều đáng bất ngờ nhất có lẽ là thời điểm được Google lựa chọn để công bố tính năng này. Gần 2 năm trước, khi công bố FaceID cùng iPhone X, Apple đã tạo ra một cơn "địa chấn" khi thẳng thừng loại bỏ cảm biến vân tay quen thuộc để chuyển sang nhận diện khuôn mặt. Các hãng Android cũng vội vã chạy theo, trong đó nhiều hãng vì muốn "ăn theo" cơn bão truyền thông nên phải vội vã mở lại tính năng nhận diện khuôn mặt 2D, vốn đã cực kỳ lỗi thời (có trên Android từ 2011) và có thể bị hack bởi ảnh chụp hay thậm chí là màn hình.

Vì sao Huawei hay Xiaomi đều từ bỏ nhận diện khuôn mặt rồi mà Google lại đưa lên Pixel 4? - Ảnh 1.

Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, các OEM Android đều đã từ bỏ 3D Face Unlock.

Mãi tới sau này, Huawei, Oppo và Xiaomi mới có nhận diện khuôn mặt 3D ngang tầm với FaceID. Nhưng cơn sốt ấy cũng chẳng kéo dài được lâu khi cảm biến vân tay dưới màn ra đời: từ Mi 8 sang Mi 9, từ Mate 20 sang P30, từ Find X sang Reno, camera 3D lần lượt biến mất, nhận diện khuôn mặt gần như "bốc hơi" hoàn toàn khỏi smartphone Android…

…cho đến khi Google công bố Face Unlock trên Pixel 4.

Vì sao Apple có, vì sao các hãng Android từ bỏ

Lý do các hãng Android đều đã từ bỏ công nghệ nhận diện khuôn mặt 3D thật ra rất đơn giản: đó là một công nghệ có độ phức tạp cao và đòi hỏi đầu tư lớn. So với cảm biến vân tay vốn có thể mua được từ rất nhiều các nhà cung ứng khác nhau, nhận diện khuôn mặt 3D đòi hỏi mỗi hãng phải xây dựng một đội ngũ kỹ sư và data scientist (nhà khoa học dữ liệu) riêng. Sản phẩm tạo ra không chỉ đòi hỏi phần cứng mà còn có phần mềm – yếu tố mà các hãng gần như chắc chắn sẽ không chia sẻ cùng nhau.

Vì sao Huawei hay Xiaomi đều từ bỏ nhận diện khuôn mặt rồi mà Google lại đưa lên Pixel 4? - Ảnh 2.

Thất bại ê chề của Huawei Mate 20 cho thấy chạy đua nhận diện khuôn mặt với Apple là nắm chắc phần thua.

Chính bởi thế mà mỗi hãng Android đều mất khoảng 1 năm mới có thể tạo ra tính năng 3D Face Unlock cho riêng mình. Trái ngược lại hoàn toàn là cảm biến vân tay: dạng nút bấm có mặt trên smartphone HTC từ khi iPhone 5s mới chỉ rò rỉ, còn dạng dưới màn hình thì phổ cập chỉ trong vòng vài tháng.

Cuộc bám đuổi khó khăn này cũng tạo ra những câu chuyện nực cười: Huawei chỉ mất 1 tháng để công bố công nghệ nhận diện khuôn mặt 3D giống như Apple. Nhưng công nghệ này được công bố bên lề sự kiện vén màn mẫu Honor View 10, vốn... không có nhận diện 3D. Cũng phải gần 1 năm sau Huawei mới ra mắt được 3D Face Unlock cho Mate 20 Pro, chỉ để bị công nghệ này bị đánh bại một cách... rất dễ dàng bởi 2 người có khuôn mặt không quá giống nhau (Androidpit).

Huawei vẫn là hãng Android đẳng cấp nhất nhì thế giới hiện nay. Nếu Huawei không làm được, các hãng khác cũng khó lòng bắt kịp Apple. May mắn thay, sự xuất hiện của cảm biến vân tay dưới màn sau đó là cứu cánh cho các hãng Android: một mặt, họ có thể tiếp tục tiến lên cuộc đua toàn màn hình; mặt khác họ không cần phải chạy theo Apple nữa.

Vì sao Google lại có nhận diện khuôn mặt?

Vì sao Huawei hay Xiaomi đều từ bỏ nhận diện khuôn mặt rồi mà Google lại đưa lên Pixel 4? - Ảnh 3.

Trong các hãng Android, chỉ có Google là có thể cho Apple "ngửi khói" trên lĩnh vực AI.

Trở lại với chiếc Pixel 4, lý do khiến Google ra mắt nhận diện khuôn mặt 3D cho Pixel cũng rất đơn giản: đẳng cấp AI của Google hơn bất kỳ một đối tác sản xuất nào khác. Thậm chí, AI của Google còn vượt mặt cả Apple (hay Microsoft, Amazon...). Cứ nhìn vào chất lượng của Google Asssistant, những tính năng "hoang đường" như chụp bokeh bằng camera đơn hay khả năng dịch như bánh mì Doraemon của Translate là đủ hiểu Google hùng mạnh đến cỡ nào. Nhận diện khuôn mặt 3D là bài toán hoàn toàn nằm trong tầm tay của Google, và chắc chắn Google sẽ làm tốt hơn hẳn các đối tác Android.

Nhưng chỉ lý do đó thôi vẫn là chưa đủ: trong thời đại của Android dùng cảm biến dưới màn, thứ thực sự thúc ép Google đưa Face Unlock lên Pixel 4 là độ an toàn và tiềm năng mở rộng. Có thể khẳng định gần như chắc chắn rằng Face ID hiện tại vẫn là phương pháp bảo mật số 1 trên smartphone khi công ty duy nhất nói "hack" được công nghệ này thực chất lại... liên tục đưa khuôn mặt nạn nhân vào sử dụng trong quá trình tạo mặt nạ. Còn những thông tin FaceID bị qua mặt bởi 2 người có khuôn mặt giống nhau thực chất lại là sử dụng không đầy đủ: nếu cứ đưa khuôn mặt 2 người vào nhận diện liên tục, AI sẽ được "đào tạo’ để nhận diện cả hai. Nếu chỉ dùng cho một người duy nhất, FaceID sẽ chỉ nhận diện được duy nhất người này.

Vì sao Huawei hay Xiaomi đều từ bỏ nhận diện khuôn mặt rồi mà Google lại đưa lên Pixel 4? - Ảnh 4.

Tham vọng Android Pay là rất rõ ràng, và Google cần một giải pháp an toàn hơn vân tay.

Dĩ nhiên, Google hiểu điều này. Chính bởi vậy, trong thông báo ngày hôm nay, Google đã thẳng thừng khẳng định rằng người dùng có thể sử dụng Face Unlock để thực hiện thanh toán an toàn và mở khóa ứng dụng. Còn cảm biến vân tay thì sao? Tháng 3 vừa qua, ngay cả công nghệ vân tay an toàn bậc nhất thế giới là cảm biến siêu âm cũng đã bị hack. Từ 2011, hacker thậm chí còn có thể tạo vân tay giả từ... ảnh chụp DSLR.

...Và tiềm năng phát triển

Điểm cộng cho phép nhận diện khuôn mặt "kết liễu" cảm biến vân tay là tiềm năng phát triển. Dù là đặt dưới nút Home, sau lưng hay dưới màn, cảm biến vân tay vẫn chỉ để nhận diện vân tay. Chúng chẳng thể giúp trải nghiệm điện thoại của bạn thú vị hơn.

Còn nhận diện khuôn mặt thực chất là đưa camera 3D và AI lên điện thoại. Có FaceID và sắp tới là Face Unlock trên Pixel 4, người dùng có thể chờ đợi những bức ảnh selfie bokeh chính xác hơn, có thể scan 3D bằng điện thoại, có thể "hóa thân" thành avatar trong game v...v... Kết hợp thêm cảm biến 3D, Pixel 4 còn có khả năng điều hướng bằng cử chỉ "không chạm" nữa.

Vì sao Huawei hay Xiaomi đều từ bỏ nhận diện khuôn mặt rồi mà Google lại đưa lên Pixel 4? - Ảnh 5.

Tiềm năng của khuôn mặt không chỉ bị trói vào 2 chữ "bảo mật".

Nói cách khác, đưa nhận diện khuôn mặt 3D lên smartphone là giúp mở đường cho những trải nghiệm mới mẻ, những trải nghiệm mà smartphone dùng cảm biến vân tay sẽ chẳng thể nào "chạm" tới. Nếu bạn là ông chủ của cả một nền tảng, nếu bạn phải tìm hướng đi tương lai cho hàng tỷ thiết bị, bạn sẽ chọn cái cũ lỗi thời hay cái mới đầy hứa hẹn? Với Google, câu trả lời đã quá rõ ràng.

Nguồn: Genk.vn

Similar blogs

Hot Blogs