Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Từ A-Z về hệ điều hành Fuchsia của Google

Từ A-Z về hệ điều hành Fuchsia của Google

Bài viết này sẽ tổng hợp lại mọi thông tin mà chúng ta đã từng được biết về dự án Fuchsia OS của Google.

Fuchsia OS là gì?

Fuchsia là một khối mã hiện đang được lưu trữ trên kho mã nguồn của Google và GitHub. Khối mã này được cho là khởi đầu của một hệ điều hành hoàn toàn mới, dù Google vẫn chưa xác nhận thông tin này. Điểm thú vị của hệ điều hành này là nó không dựa trên nhân Linux - vốn đang được sử dụng trên cả Android và Chrome OS.

Dave Burke - Phó chủ tịch thiết kế Android của Google phát biểu hồi tháng 5/2017 rằng: "Fuchsia là một dự án thí nghiệm giai đoạn đầu. Chúng tôi có rất nhiều dự án giai đoạn đầu khá thú vị tại Google. Tôi nghĩ điều hay ho ở đây là nó có mã nguồn mở, tất cả mọi người có thể xem và bình luận về nó. Giống như nhiều dự án giai đoạn đầu khác, nó có thể sẽ hoàn thiện và biến đổi (thành một thứ khác)".

Trông nó như thế nào?

Fuchsia đã có giao diện người dùng sơ khởi với thiết kế theo thẻ. Giao diện này được đặt tên là Armadillo, bạn có thể xem trong đoạn clip dưới đây:

Fuchsia OS

Không như Android OS hay Chrome OS - đều dựa trên Linux, Fuchsia OS được xây dựng trên Zircon (trước đây là Magenta) - một nhân mới do chính Google tạo ra. Giao diện Armadillo thì được xây dựng bằng Flutter SDK của Google - vốn được dùng để tạo ra các đoạn mã đa nền tảng có khả năng chạy trên nhiều hệ điều hành khác nhau. Với Armadillo, giao diện ứng dụng được chia thành nhiều thẻ có thể được kéo thả để sử dụng ở chế độ chia đôi màn hình hay theo tab (như Chrome). Các thẻ này có vẻ còn cung cấp các gợi ý tương tự Google Now.

Mục đích của nó là gì?

Nhiều người cho rằng Fuchsia OS là một hệ điều hành mới, được tạo ra nhằm hợp nhất Chrome OS và Android OS thành một hệ điều hành duy nhất (điều này đã được dự đoán từ năm 2015). Một số thông tin cho rằng hệ điều hành duy nhất đó sẽ ra mắt trong năm 2017 (nhưng đã không xảy ra). Các tài liệu của Google thì cho biết phần mềm này nhắm đến các điện thoại hiện đại và các máy tính cá nhân hiện đại với chip xử lý nhanh và lượng RAM dồi dào.

Fuchsia được xây dựng dựa trên Zircon - một microkernel kích cỡ trung bình xuất phát từ dự án LittleKernel dùng cho các hệ thống nhúng, ví dụ như một thiết bị có một tính năng cụ thể mà không cần phải có toàn bộ hệ điều hành, như một chiếc router hay đồng hồ. Bên cạnh đó, hai nhà phát triển được nêu tên trên trang GitHub của Fuchsia là một kỹ sư phần mềm tại Google và một cựu kỹ sư Android TV và Nexus Q - cả hai đều là những chuyên gia nổi tiếng trên lĩnh vực hệ thống nhúng.

Các tài liệu của Google cũng lưu ý rằng Zircon hỗ trợ chế độ người dùng, render đồ hoạ và "mô hình bảo mật dựa trên khả năng". Dù tất cả những điều trên rõ ràng cho thấy Fuchsia sẽ là môt hệ điều hành dành cho các thiết bị kết nối Wi-Fi, nhưng chúng ta đều biết Google hiện đã có một nền tảng IoT với tên gọi Android Things trước đó rồi. Trang web ArsTechnica đã tiến hành biên dịch System UI của Armadillo và phát hiện ra rằng Fuchsia có mục đích là hệ điều hành dành cho smartphone hoặc tablet.

Các nhà phát triển thậm chí cũng xác nhận rằng Fuchsia không phải là một thứ nhỏ nhặt của Google. Như vậy, nếu phải dự đoán thì có thể nói Google đã đặt ra một mục đích cụ thể cho Fuchsia OS nhưng chưa đến thời điểm để bật mí (có thể họ cần phát triển thêm, hoặc chờ cho tới khi gần như hoàn thiện). Hoặc cũng có thể Google chỉ đang "vọc vạch" đôi chút hoặc đang hoạch định cho tương lai với Fuchsia mà thôi.

Liệu Fuchsia có thay thế Android?

Có thể. Android có nhiều vấn đề phức tạp mà Google chưa thể giải quyết. Đầu tiên là sự phân mảnh quá mạnh bởi hàng trăm thiết bị khác nhau đến từ hàng tá nhà sản xuất khác nhau, hay các phiên bản Android được chỉnh sửa khác xa bản gốc. Thứ hai là vấn đề về cập nhật: Google hàng năm vẫn đưa ra các bản cập nhật cho Android, nhưng phải mất đến khoảng 4 năm thì bản cập nhật đó mới hoàn toàn phủ sóng toàn bộ hệ sinh thái Android.

Dù nhiều vấn đề trong số này xuất phát từ nguồn gốc mã nguồn mở của Android - tức là Google trao Android cho các OEM và các nhà mạng, để họ tự do "quậy phá" và cài nó lên các phần cứng ngẫu nhiên do họ sản xuất, dẫn đến sự phân mảnh, khiến Google không thể đơn giản tung bản cập nhật đến trực tiếp các thiết bị này nếu nó đang chạy một hệ điều hành Android đã được chỉnh sửa.

Một vấn đề khác là Android được dựa trên Linux. Linux vốn bị giới hạn bởi nhiều vấn đề pháp lý, và nhân Linux cũng không được thiết kế dành cho smartphone hay thiết bị IoT, thế nhưng lại được chỉnh sửa và đưa lên các thiết bị này, dẫn đến một môi trường đầy lỗi và lỗ hổng bảo mật chực chờ bị lợi dụng.

Một hệ điều hành và nền tảng mới sẽ giải quyết mọi vấn đề nêu trên. Nó sẽ không bị vướng vào các mua bán phí bản quyền đắt đỏ, an toàn hơn, được xây dựng và tối ưu hoá cho các thiết bị mới. Nó cũng sẽ được thiết kế theo module, nhưng vẫn thống nhất, có thể hoạt động trên nhiều thiết bị. Google cũng có thể bắt đầu việc bán bản quyền hệ điều hành cho các nhà phát triển phần cứng, giải quyết mọi vấn đề phân mảnh và cập nhật.

Còn Andromeda thì sao?

Trước đây, chúng ta từng nghe tin Google đang phát triển một chiếc laptop Pixel được cho là sẽ hợp nhất Android và Chrome OS, với tên mã Andromeda. Thế nhưng cuối cùng Google lại tuyên bố hỗ trợ ứng dụng Android trên Chrome OS thay vì tạo nên một hệ điều hành mới hoàn toàn. Hiện tại, một số người cho rằng Fuchsia OS chính là kẻ kế tục Andromeda - vốn đoản mệnh và đã chết từ lâu.

Fuchsia OS còn có thể là thứ gì khác không?

Trang tin Hacker News đoán rằng Fuchsia có thể được thiết kế để phục vụ cho các giao diện thực tại tăng cường.

Có manh mối nào khác về hệ điều hành này không?

Không. Nhưng trên trang GitHub của Fuchsia thì ghi một dòng rất khó hiểu rằng: Pink + Purple == Fuchsia.

Tại sao mã nguồn của nó là ở chế độ public?

Một trong những nhà phát triển Fuchsia là Brian Swetland cho biết: "Quyết định ban đầu là xây dựng Fuchsia OS mã nguồn mở, nên mã nguồn ở chế độ public là chuyện đương nhiên".

Hiện có thiết bị nào chạy được Fuchsia OS?

Có một danh sách các thiết bị có thể chạy Fuchsia OS được liệt kê trên GitHub. Brian Swetland tiết lộ rằng Fuchsia OS đã có thể khởi động được trên một số PC loại nhỏ chạy chip Intel và trên laptop Acer Switch Alpha 12. Để có thể cài Fuchsia lên một thiết bị, bạn cần 2 máy tính, 1 máy chủ (host) và 1 máy đích (target). Ngoài ra, bạn cũng phải bật chế độ developer trên Chrome OS để boot được USB, và sau khi cài thì file cài trên USB sẽ bị huỷ ngay?!

Google mới đây cũng đã thử nghiệm Fuchsia OS trên Pixelbook và tung ra các tài liệu hướng dẫn cài đặt liên quan. Dù mới chỉ trong giai đoạn đầu, nhưng việc Google thử nghiệm Fuchsia trên Pixelbook - một thiết bị có mối liên hệ với các hệ thống nhúng và các PC loại nhỏ chip Intel và Chromebook - khiến cộng đồng mạng vô cùng thích thú.

 

Tham khảo: Pocket-Lint

Nguồn: Genk.vn

 

Bài viết tương tự

Bài viết nổi bật

Công việc liên quan